Chồng chéo, chưa có chế tài
Thị trường nước mắm hiện nay, giống như một "ma trận" bởi với hàng trăm cơ sở sản xuất từ lớn đến nhỏ, từ nước mắm truyền thống đến nước mắm công nghiệp. Điều này đã đặt ra những thách thức lớn trong công tác quản lý, cần phải có bộ tiêu chí rõ ràng, để người tiêu dùng không hoang mang khi sử dụng nước mắm.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm, cung cấp 2 triệu lít/năm. Trung bình mỗi người Việt sử dụng 4 – 5 lít nước mắm/năm.
Trên thực tế, hiện nay, Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT cùng chia nhau kiểm soát và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó, có nước mắm. Theo luật, Bộ Y tế chỉ là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho nước mắm. Còn khâu quản lý chất lượng thuộc về Bộ NN&PTNT.
Ảnh minh họa |
Tuy vậy, hiện nay, hồ sơ công bố sản phẩm mặt hàng này lại do Bộ Y tế thẩm duyệt và cấp phép. Điều này dẫn đến nhiều chồng chéo, bất cập trong việc kiểm soát chất lượng và chế tài xử lý vi phạm.
Được biết, sau khi có thông tin nước mắm nhiễm thạch tín được một vài báo đưa tin, Thủ tướng Chính phủ vào cuộc yêu cầu kiểm tra sản phẩm này.
Từ ngày 12/10 đến nay, Đoàn Thanh tra liên ngành gồm: Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra thị trường nước mắm tại Hà Nội, TP. HCM, sắp tới, cả Phú Quốc (Kiên Giang)...
Mục đích đợt kiểm tra này để rà soát lại hồ sơ công bố đối với các sản phẩm nước mắm, quy trình sản xuất, Giấy phép lưu hành, lấy mẫu xét nghiệm các loại nước mắm trên thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế cùng Bộ NN&PTNT đang kiểm tra nước mắm trên thị trường để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới.
Theo ông Phong, ở Việt Nam, không tồn tại khái niệm nước mắm công nghiệp hay thủ công. Tuy vậy, nước mắm phải đảm bảo các yêu cầu về hàm lượng đạm, axit amin, đúng với hồ sơ công bố.
Ông Phong cho rằng, bất cứ sản phẩm nước mắm nào cần phải phân biệt hóa chất và phụ gia. Nói một cách chính xác, nếu sử dụng phụ gia thực phẩm để làm mắm, là những phụ gia trong danh mục, đúng hàm lượng, đảm bảo độ tinh khiết, không ảnh hưởng sức khỏe, còn những phụ gia cấm, vượt quá quy định, sẽ xử lý vi phạm nghiêm minh.
Quy định thạch tín là bao nhiêu?
Arsen, hay dân gian vẫn gọi là thạch tín, là một nguyên tố á kim thường tồn tại dưới dạng phun khoáng trong vỏ Trái đất, trong hoạt động núi lửa và sự phong hóa của các chất khoáng.
Arsen cũng xuất hiện từ các hoạt động của con người như: nấu chảy quặng, đốt cháy than, đồng thời, có trong chất bảo quản gỗ, thuốc trừ sâu, thuốc thú y hay thuốc y tế. Tình trạng thạch tín từ nước, đất, thuốc trừ sâu xâm lấn vào chuỗi dinh dưỡng cá, cây trồng, vật nuôi, từ đó, lại lây nhiễm sang cho con người khi họ dùng những nguồn thực phẩm này là điều mà các nhà khoa học đã nhiều lần cảnh báo, đặc biệt là ở những vùng thổ nhưỡng có cấu tạo đặc trưng như Việt Nam.
Năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành QCVN 8 - 2 : 2011 - Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm. Theo đó, nồng độ thạch tín trong sản phẩm nước mắm, nước chấm không được vượt quá 1.0mg/L (không quy định rõ hữu cơ hay vô cơ).
Từ năm 2003 Việt Nam đã có Tiêu chuẩn Quốc gia về nước mắm được ban hành với số hiệu TCVN 5107:2003. Tuy vậy, đã hơn 10 năm qua, tiêu chuẩn này vẫn chưa được cập nhật chi tiết về minh bạch thông tin, thành phần cụ thể.
Bên cạnh tiêu chuẩn, Bộ Y Tế cũng đã ban hành thêm những Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia liên quan đến an toàn thực phẩm, tuy vậy, thực chất việc tuân thủ các quy chuẩn này đối với sản phẩm nước mắm như thế nào, vẫn chưa có thông tin đầy đủ.
Trong kết quả khảo sát vừa qua cho thấy, hàng loạt mẫu nước mắm, nhất là ở dòng nước mắm cao đạm đã vi phạm nghiêm trọng quy chuẩn này, kể cả arsen lẫn độ đạm công bố.
Các chuyên gia về nước mắm cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải xây dựng một quy chuẩn cụ thể hơn cho các loại nước mắm, nước chấm không thể đánh đồng tất cả có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, không chỉ là hàm lượng thạch tín.
Theo infonet.vn