Ra mắt trước thềm Hội nghị về Nước năm 2023 của Liên Hợp Quốc (22-24/3), ấn bản mới của Báo cáo Phát triển Nước Thế giới của LHQ tập trung vào hai chủ đề là quan hệ đối tác và hợp tác. Được xuất bản bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), báo cáo nêu bật những cách hợp tác mà các bên có thể làm việc cùng nhau để vượt qua những thách thức chung.
Tăng cường hợp tác xuyên biên giới để tránh xung đột về nước
Theo báo cáo, trên toàn cầu, hai tỷ người không có nước uống an toàn và 3,6 tỷ người không được tiếp cận với hệ thống vệ sinh được quản lý an toàn. Theo dự báo, dân số đô thị toàn cầu đối mặt với tình trạng khan hiếm nước có khả năng tăng gấp hơn 2 lần từ 930 triệu người vào năm 2016 lên từ 1,7 đến 2,4 tỷ người vào năm 2050.
Báo cáo cho biết tỷ lệ hạn hán cực đoan và kéo dài ngày càng gia tăng cũng đang gây căng thẳng cho các hệ sinh thái, với những hậu quả nghiêm trọng đối với cả các loài thực vật và động vật.
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo ở trụ sở LHQ (Mỹ) trước khi công bố báo cáo, ông Richard Connor, tác giả chính của báo cáo cho biết: “Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề này, chắc chắn sẽ có một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Sự khan hiếm nước gia tăng phản ánh nguồn cung giảm và nhu cầu gia tăng, từ tăng trưởng đô thị và công nghiệp đến nông nghiệp, lĩnh vực đã tiêu thụ 70% nguồn cung cấp nước của thế giới”.
Theo ông Connor, xây dựng quan hệ đối tác và hợp tác là chìa khóa để thực hiện quyền con người đối với nước và vượt qua những thách thức hiện nay.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng xảy ra “chiến tranh nước” trước cuộc khủng hoảng toàn cầu, ông Connor cho hay nguồn tài nguyên thiên nhiên thiết yếu này có xu hướng dẫn đến hòa bình và hợp tác hơn là xung đột. Ông nói, tăng cường hợp tác xuyên biên giới là công cụ chính để tránh xung đột và căng thẳng leo thang. 153 quốc gia có chung gần 900 sông, hồ và hệ thống tầng chứa nước, trong đó hơn 50% nước này đã ký kết các thỏa thuận.
Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay cho biết: “Nhu cầu cấp thiết là thiết lập các cơ chế quốc tế mạnh mẽ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nước toàn cầu vượt khỏi tầm kiểm soát. Nước là tương lai chung của chúng ta và điều cần thiết là phải cùng nhau hành động để chia sẻ nguồn nước một cách công bằng và quản lý nguồn nước một cách bền vững”.
Quan hệ đối tác về nước tạo kết quả đôi bên cùng có lợi
Báo cáo chỉ rõ những kinh nghiệm về nỗ lực cộng tác của các đối tác, đồng thời giải thích cách đẩy nhanh tiến độ đạt được các mục tiêu Chương trình nghị sự 2030 có liên quan đến việc tăng cường hợp tác tích cực, có ý nghĩa giữa các cộng đồng cấp nước, vệ sinh môi trường và phát triển rộng lớn hơn.
Ông Connor cho biết, giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 đã chứng kiến sự hình thành mối quan hệ đối tác giữa các cơ quan y tế và cơ quan xử lý nước thải, những bên có thể cùng nhau theo dõi dịch bệnh và cung cấp dữ liệu quan trọng theo thời gian thực.
Từ cư dân thành phố đến nông dân sản xuất nhỏ, quan hệ đối tác đã tạo ra kết quả đôi bên cùng có lợi. Tác giả chính của báo cáo khẳng định bằng cách đầu tư vào các cộng đồng nông nghiệp ở thượng nguồn, nông dân có thể hưởng lợi theo những cách giúp ích cho các thành phố ở hạ nguồn.
Các quốc gia và các bên liên quan có thể hợp tác trong các lĩnh vực như kiểm soát lũ lụt và ô nhiễm, chia sẻ dữ liệu và đồng tài trợ. Ông Connor nói, từ các hệ thống xử lý nước thải đến bảo vệ vùng đất ngập nước, những nỗ lực góp phần giảm phát thải khí nhà kính sẽ mở ra cánh cửa cho sự hợp tác hơn nữa và tăng khả năng tiếp cận các quỹ về nước.
Tuy nhiên, cộng đồng sử dụng nước không khai thác những nguồn tài nguyên đó. Ông Connor mong rằng báo cáo có thể khơi nguồn cho các cuộc thảo luận hữu ích và mang lại kết quả thực tế.
Ông Johannes Cullmann, cố vấn khoa học đặc biệt của Chủ tịch Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết cần đầu tư vào nước một cách khôn ngoan. Tài nguyên nước và cách quản lý tài nguyên nước tác động đến hầu hết đến các khía cạnh của sự phát triển bền vững, bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Do đó, các khoản đầu tư hiện tại phải được tăng gấp 4 lần để đáp ứng nhu cầu hàng năm cần thiết từ 600 tỷ USD đến 1 nghìn tỷ USD để thực hiện SDG 6 về nước và vệ sinh.
Cố vấn này cho biết: “Hợp tác là trung tâm của sự phát triển bền vững và nước là một chất kết nối vô cùng mạnh mẽ. Chúng ta không nên đàm phán về nước, mà nên quan tâm về nó. Xét cho cùng, nước là quyền của con người”.
Theo nhóm gồm 18 chuyên gia độc lập của LHQ và các báo cáo viên đặc biệt, nước nên được quản lý như một lợi ích chung, không phải là một loại hàng hóa. Họ tuyên bố: “Việc coi nước là hàng hóa hoặc cơ hội kinh doanh sẽ bỏ lại phía sau những nguồn nước không thể tiếp cận hoặc mua được theo giá thị trường, đồng thời sẽ cản trở việc đạt được các SDG và cản trở nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu”.
Các chuyên gia này cho rằng tiến trình đạt được SDG 6 chỉ có thể diễn ra hiệu quả nếu cộng đồng và quyền con người của họ là trung tâm của các cuộc thảo luận. Theo họ, đã đến lúc dừng cách tiếp cận theo hướng các chuyên gia tuân thủ các quy tắc chuyên môn đối với nước và xem xét các ý tưởng, kiến thức và giải pháp của người dân bản địa và cộng đồng địa phương, những người hiểu hệ sinh thái thủy sinh địa phương để đảm bảo tính bền vững của chương trình nghị sự về nước.