“Bám đá, căng mình” chống dịch
Những ngày giữa tháng 4/2020, khi cả nước nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng đang nỗ lực phòng, chống và đẩy lùi dịch Covid-19, chúng tôi có dịp đến lán dã chiến của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP tỉnh Hà Giang trực chốt được đặt gần mốc 465 thuộc xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ở đây, các anh có nhiệm vụ duy trì tuần tra trên tuyến biên giới nhằm phát hiện, ngăn chặn những trường hợp vượt biên trái phép; kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện từ địa phương khác đến. Qua đó, tiến hành kiểm tra thân nhiệt và kê khai y tế, kết hợp tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ở nơi rừng sâu, núi thẳm, thiếu nhiều đồ dùng thiết yếu nhưng những người lính “quân hàm xanh” không ngại khó, ngại khổ, bám trụ kiên cường giữ biên cương bình yên.
Thời điểm chúng tôi đến, cán bộ, chiến sĩ trực chốt mốc 465 đang phân công nhau chuẩn bị bữa cơm trưa. Người nhóm củi nấu cơm, người nhặt rau tại chốt, thế nhưng, ánh mắt họ không một chút thể hiện sự mệt mỏi. Đại úy Mua Mí Cáy, Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP tỉnh Hà Giang đang thực hiện nhiệm vụ trực chốt mốc 465 chia sẻ: Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, là lực lượng bảo vệ tuyến đầu biên giới, chúng tôi luôn xác định rõ nhiệm vụ của mình, tạm gác lại hạnh phúc riêng tư để toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Đây là lúc để cán bộ, chiến sĩ Biên phòng chúng tôi “đáp” lại sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bộ đội biên phòng tuần tra biên giới |
Được biết, ngoài thành lập các chốt chặn kiểm soát dịch bệnh, Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP tỉnh Hà Giang phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương hai xã: Xín Cái và Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) duy trì 6 tổ công tác tuần tra, kiểm soát lưu động, thường xuyên thay nhau tuần tra nhằm ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh vào biên giới. Đại úy Mua Mí Cáy cho biết thêm: Do tuyến biên giới trải dài, nhiều đường tiểu ngạch nên cứ 15 - 20 phút/lần, chúng tôi thay phiên nhau tuần tra, bảo vệ biên giới. Sau khi Trung Quốc khoanh được vùng dịch Vũ Hán, tiếp tục mở chính sách thu hút lao động làm thuê, vì cuộc sống mưu sinh nên những lúc nhàn rỗi, người dân địa phương vẫn vượt biên trái phép qua biên giới lao động thuê. Vì vậy, chúng tôi không kể ngày đêm, anh em thay nhau trực gác, tuần tra nhằm kịp thời ngăn chặn người dân vượt biên trái phép.
Không chỉ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát biên giới, các chiến sĩ “quân hàm xanh” còn là những “chiến binh” trên mặt trận tuyên truyền. Trung tá Nguyễn Duy Khiêm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xín Cái, BĐBP tỉnh Hà Giang tâm sự: Ban đầu, người dân các xã biên giới nhận thức chưa đầy đủ về dịch Covid-19 nên vẫn còn chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Trước tình hình đó, Đồn đã phối hợp với các lực lượng, tổ chức hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ “tỏa” đi các thôn, xóm, đến “từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền theo phương thức “mưa dầm thấm lâu” nên bà con hiện đã hiểu, tự biết cách phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và bảo vệ cộng đồng.
“Lá chắn thép” vùng biên
Đến với huyện biên giới Quản Bạ (Hà Giang), chúng tôi mới cảm nhận được sự gian khổ, không ngại khó của các những người lính Biên phòng, họ cùng chung một quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Trung tá Bùi Trường Thọ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tùng Vài, BĐBP tỉnh Hà Giang cho biết: Hiện, Đồn Quản lý 33,479 km đường biên giới, với 56 cột mốc thuộc địa bàn 3 xã: Cao Mã Pờ, Tả Ván và Tùng Vài. Do địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, có nhiều đường mòn, lối mở nên ngoài làm tốt tuyên truyền cho người dân hiểu và nắm rõ được cách phòng, chống dịch Covid-19, chúng tôi còn tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ không để người dân tự ý vượt biên trái phép.
Cán bộ, chiến sĩ tại Tổ lâm thời phòng, chống dịch Covid-19 thôn biên giới Chín Sang, xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) phối hợp với các đoàn từ thiện phát khẩu trang, nước rửa tay miễn phí cho người dân biên giới. |
Thiếu tá Lê Hồng Lê, nhân viên phiên dịch, Tổ trưởng Tổ Lâm thời phòng, chống dịch Covid-19 tại thôn Chín Sang, xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ (Hà Giang) chia sẻ: Thôn có 66 hộ với 323 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Theo thống kê, toàn thôn có 18 phụ nữ lấy chồng bên Trung Quốc; có 4 đường mòn sang nước bạn nên người dân thường qua lại lao động làm thuê. Thời gian qua, chúng tôi phân công nhau “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền cho người hiểu về tình hình dịch bệnh. Cùng với đó, chúng tôi làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát biên giới nên đến nay không có trường hợp sang thăm thân, vượt biên trái phép. Để đảm bảo sự an toàn sức khỏe cho nhân dân, chúng tôi thường xuyên kết nối, phối hợp với nhiều đoàn từ thiện trao tặng khẩu trang, xà phòng rửa tay; hướng dẫn người dân sử dụng, sát khuẩn đúng cách.