Quận 12 (TP.HCM): Tiếp tục cảnh báo rủi ro mua bán nhà đất bằng vi bằng

27/05/2019 13:17

(TN&MT) - Trước tình trạng mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng hình thức lập vi bằng tiềm ẩn những rủi ro pháp lý, UBND quận 12 (TP.HCM) đã phát cảnh báo kêu gọi người dân cảnh giác. Điều đáng nói, năm 2017, chính quyền quận 12 đã phát cảnh báo về vấn đề này, nhưng tình trạng này vẫn liên tục xảy ra.

q12a
Cảnh báo của UBND quận 12 về tình trạng mua bán nhà đất bằng hình thức lập vi bằng trên Cổng thông tin điện tử

Theo UBND quận 12, thời qian qua, trên địa bàn xuất hiện nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng tại các Văn phòng Thừa phát lại. Việc này nhằm mua, bán những căn nhà “ba chung” (chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà). Đồng thời, việc mua bán này được thực hiện nhiều lần, chuyển nhượng qua nhiều người; chuyển nhượng hồ sơ, giấy tờ chưa đúng quy định, chưa đầy đủ cơ sở pháp lý.

Thông qua việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất với hình thức vi bằng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, các đối tượng lừa đảo, đầu nậu đất đai đã thu gom đất xây nhà, rao bán bằng thừa phát lại để trục lợi. Với những căn nhà không có giấy chứng nhận được mua bán bằng giấy tay, để tăng sự tin tưởng, các đối tượng này nhờ các Văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng. Thậm chí nhiều căn nhà chung một giấy chứng nhận cũng được bán bằng hình thức đồng sở hữu, lập vi bằng. Nhiều nạn nhân “dính” vào nhà đất tranh chấp, cầm cố ngân hàng, xây dựng trái phép khiến cuộc sống khó khăn.

Theo quy định của Luật Đất đai và Luật Nhà ở thì hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn, thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (trong đó có nhà ở, nhà ở thương mại) phải được công chứng, chứng thực theo quy định.

Vi bằng do Thừa phát lại lập theo trình tự, thủ tục được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP chỉ có giá trị ghi nhận sự kiện, hành vi dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp luật khác.

q12b
Một khu nhà  “3 chung” trên địa bàn quận 12, TP.HCM đang được hoàn thiện

Theo Điều 25 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ thì Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Một số trường hợp cụ thể có thể lập vi bằng như: Xác nhận tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình; tình trạng nhà trước khi cho thuê nhà; tình trạng nhà khi mua nhà; tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm; việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái pháp luật; tình trạng tài sản trước khi ly hôn, thừa kế…

Vì vậy, căn cứ khoản 5 Điều 26 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ thì Sở Tư pháp có quyền từ chối vi bằng do Văn phòng Thừa phát lại lập. Vi bằng bị từ chối sẽ không có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; không là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Cho nên, qua thực trạng mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng, UBND quận 12 đã kiến nghị người dân trên địa bàn quận không thực hiện mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay thông qua hình thức lập vi bằng để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng để tạo lòng tin, lừa đảo mua bán đất phân lô, nhà không đủ điều kiện pháp lý để giao dịch.

Bởi, vi bằng không phải là văn bản công chứng, chứng thực theo quy định; không chứng nhận, xác nhận tính hợp pháp của các hợp đồng, các giao dịch về nhà đất… Việc lập vi bằng mua bán, chuyển nhượng nhà đất với hình thức ghi nhận việc giao nhận nền đất; lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền là để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quận 12 (TP.HCM): Tiếp tục cảnh báo rủi ro mua bán nhà đất bằng vi bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO