Ngày nay xu thế chuyển dịch năng lượng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ đã đem lại cả những cơ hội và thách thức đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế bền vững, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh và quyết tâm thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng theo định hướng xanh hơn, sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Lượng khí hydrocarbon đốt bỏ liên tục giảm
Để thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net-zero) vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu, PVN đang rà soát, cập nhật Kế hoạch Hành động giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu đã ban hành năm 2018, trong đó xác định các mục tiêu, định hướng và giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong toàn Tập đoàn phù hợp với cam kết của Chính phủ.
Được biết, kể từ năm 2016, lượng khí Hydrocacbon đốt bỏ ngoài khơi tiếp tục xu hướng giảm. Trong tương lai, PVN cùng với các nhà thầu sẽ cố gắng kiểm soát tốt hơn nữa các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi, giảm tối đa các sự cố vượt áp nhằm hạn chế tối đa lượng hydrocacbon đốt bỏ.
Thực hiện Quy chế khai thác dầu khí, Tập đoàn đã yêu cầu các nhà thầu khai thác dầu khí thực hiện nghiêm ngặt việc hạn chế đốt bỏ và triệt để thu hồi, sử dụng khí đồng hành. Lượng khí hydrocarbon chỉ được đốt bỏ trên các công trình khai thác ngoài khơi trong các trường hợp như khí thấp áp không đủ áp lực để thu gom, xả áp để duy trì vận hành khai thác an toàn, hoạt động bảo dưỡng định kỳ, hoạt động thử vỉa hoặc trong trường hợp xảy ra sự cố. Bên cạnh các quy định trên, Tập đoàn yêu cầu các nhà thầu khai thác dầu khí phải trình nộp kế hoạch đốt bỏ khí hydrocarbon hằng năm để Tập đoàn phê duyệt và kiểm soát.
Lượng khí hydrocarbon phải đốt bỏ từ các công trình khai thác dầu khí ngoài khơi liên tục giảm theo các năm, cụ thể năm 2021 lượng khí hydrocarbon phải đốt bỏ khoảng 0,20 triệu tấn, giảm so năm 2020 khoảng 28,38%. Với chiến lược phát triển của Tập đoàn, trong tương lai, Tập đoàn cùng với các nhà thầu sẽ cố gắng nghiên cứu tìm ra các giải pháp để kiểm soát tốt hơn nữa các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi, giảm tối đa các sự cố vượt áp nhằm hạn chế tối đa lượng hydrocarbon cần phải đốt bỏ.
Ứng dụng công nghệ giảm phát thải hydrocacbon
Nhằm thực hiện giải pháp góp phần tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, một nhóm nhà khoa học đã đề xuất lắp đặt hệ thống thu hồi khí hydrocacbon từ hệ thống van thở của FSO tại Vietsopetro. Hệ thống bao gồm một bình tách, làm sạch các tạp chất trong khí thu gom trước khi đi vào máy nén; bộ trao đổi nhiệt Gas-Gas; bộ trao đổi nhiệt khí; bình tách dùng để tách lỏng và khí sau khí ra khỏi bộ trao đổi nhiệt; bộ fill lọc khí lọc đến 99% các hạt chất rắn có kích thước lớn hơn 2 micromét; hệ thống thông gió và thoát nước; đường nhiên liệu cung cấp khí đốt cho lò hơi trên FSO.
Với kết quả nghiên cứu trên, năm 2015, Vietsovpetro đã lắp đặt và vận hành hệ thống thu hồi khí hydrocacbon trên FSO-02 . Kết quả, với lưu lượng tiếp nhận và xử lý 2.500 tấn dầu/ngày, hệ thống này đã giúp thu nhận một lượng khí hydrocacbon và LPG khoảng trên 25 tấn/ngày. Trong đó, 10-12 tấn khí hydrocarbon và LPG thu hồi được sử dụng để cung cấp cho hệ thống nồi hơi của FSO-02, thay thế nguồn dầu DO/FO và 12-15 tấn LPG còn lại và dầu nhẹ C5+ được chuyển vào cùng dầu thương phẩm.
Việc nghiên cứu và sử dụng hiệu quả khí hydrocacbon từ hệ thống van thở của FSO của Vietsopetro đã và đang đem lại lợi ích kinh tế, xã hội to lớn. Cụ thể, hiệu quả kinh tế của giải pháp cho giai đoạn 2016-2027 là 7.179.700 USD (tương đương 166,712 tỷ đồng).
Thành công của giải pháp sẽ không thải khí hydrocarbon ra môi trường bên ngoài, không đốt bỏ khí giàu LPG, gây lãng phí, làm nguồn nguyên liệu thay thế được dầu DO/FO cung cấp cho hệ thống nồi hơi trên tàu chứa dầu FSO. Đồng nghĩa sẽ tận thu được tài nguyên cho đất nước, mang lại doanh thu đáng kể cho Vietsovpetro, giảm phát thải hydrocarbon gây ô nhiễm môi trường.
Mở rộng hoạt động lĩnh vực năng lượng mới
Bên cạnh việc thực hiện chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, PVN đang nỗ lực nghiên cứu các giải pháp chiến lược chuyển đổi năng lượng xanh nhằm chuyển đổi các hoạt động và chuỗi giá trị của PVN theo hướng tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực dầu khí, cũng như mở rộng hoạt động sang lĩnh vực năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Trong những năm gần đây, công tác phát triển năng lượng tái tạo của Tập đoàn có những thuận lợi như việc triển khai các dự án nhà máy điện mặt trời tại lòng hồ Thủy điện Hủa Na, Đakđrinh. Nhà máy điện mặt trời trong phạm vi các nhà máy điện như Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2, Vũng Áng 1... đã có sẵn mặt bằng triển khai dự án và hệ thống đấu lưới truyền tải sẵn có của các nhà máy.
Nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng sạch và bền vững tại Việt Nam cũng như hỗ trợ Tập đoàn đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh, Tập đoàn và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ký biên bản ghi nhớ về việc xây dựng quan hệ đối tác chiến lược trong giai đoạn 2021-2024. Với năng lực chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, đặc biệt trong các lĩnh vực thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon, năng lượng hydro, năng lượng gió ngoài khơi và tiết kiệm năng lượng, ADB sẽ hỗ trợ PVN trong chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu giảm phát thải mà Việt Nam đã cam kết.
Bên cạnh đó, ngành Dầu khí với những lợi thế về kinh nghiệm xây dựng, lắp đặt các công trình trên biển sẽ có khả năng đóng góp rất lớn cho các dự án điện gió ngoài khơi, góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng tái tạo, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai.