Doanh nghiệp - doanh nhân

PVFCCo sẵn sàng thích ứng "tiêu chuẩn xanh"

PV 22/01/2024 - 10:05

Nhận thức sâu sắc và với tầm nhìn chiến lược về tác động của chuyển đổi năng lượng, trên cơ sở chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thích ứng và phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Xu thế chung của chuyển đổi năng lượng

Hiện nay, với sự gia tăng của sự nóng lên trên toàn cầu và các vấn đề môi trường, việc tìm ra các giải pháp dần để đạt được mức tiêu thụ năng lượng thấp, phát triển chuỗi giá trị, chuyển đổi nguồn năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sạch (xanh) và tiến đến Net Zero vào năm 2050 là xu hướng tất yếu của thời đại.

pvfcco-san-sang-thich-ung-voi-tieu-chuan-xanh-20240115111932.jpeg
PVFCCo sẵn sáng thích ứng với "tiêu chuẩn xanh"

Tại Việt Nam, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 15-5-2023, trong đó ưu tiên tối đa nguồn khí thiên nhiên cho các nhà máy nhiệt điện khí và lộ trình chuyển dần nguồn nhiên liệu hóa thạch (dầu thô, than đá, khí thiên nhiên) sang nguồn nhiên liệu sạch, xanh như điện tái tạo, hydro xanh (GH2), GNH3 xanh (GNH3) và biomass. Ngoài ra, là những cam kết trong Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), các chính sách và văn bản pháp lý như: Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Ngày 7-1-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Theo đó, lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước đã được vạch rõ.

pvfcco-san-sang-thich-ung-voi-tieu-chuan-xanh-20240115111933.jpeg
Công tác bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Đối với lĩnh vực lọc hóa dầu, hóa khí (bao gồm sản xuất đạm từ khí), các xu hướng và giải pháp CĐNL được quan tâm hiện nay có thể kể đến như: Tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải CO2; phát triển chuỗi giá trị chế biến sâu với nguồn nguyên liệu là sản phẩm/sản phẩm trung gian của các nhà máy lọc hóa dầu, hóa khí; phát triển năng lượng tái tạo; phát triển công nghiệp methanol xanh; phát triển công nghiệp hydrogen, NH3; chế biến CO2… Tất cả xu hướng trên đều hướng tới mục tiêu tăng lợi nhuận, phát triển bền vững và hướng đến nền kinh tế phi carbon đối với lĩnh vực lọc hóa dầu, hóa khí.

Thích ứng toàn diện các "tiêu chuẩn xanh"

PVFCCo với “trái tim” là Nhà máy Đạm Phú Mỹ - nhà máy hóa khí có quy mô lớn tại Việt Nam - đóng góp hằng năm cho thị trường Việt Nam khoảng 800.000 tấn phân urea và 70.000 tấn NH3. Nhà máy đi theo công nghệ với nguồn nguyên/nhiên liệu là khí thiên nhiên và cũng là nhà máy tiêu thụ năng lượng khá lớn với lượng khí tiêu thụ hằng năm là khoảng 0,61 tỉ Sm3 khí (tương đương với khoảng 22 triệu mmBtu). Theo tính toán, tổng phát thải CO2 của PVFCCo vào khoảng 73,5 tấn/giờ, tương đương 587.830 tấn/năm. Nếu tạm tính theo thuế suất phát thải CO2 đối với các nước Đông Á đang áp dụng là khoảng 20 USD/tấn thì hằng năm, thuế suất CO2 phát thải của PVFCCo vào khoảng 11,7 triệu USD.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh trữ lượng khí thiên nhiên của các mỏ đang khai thác tại khu vực Đông Nam Bộ đang có xu hướng giảm, nguồn cung khí giá thấp sẽ dần phải thay bằng nguồn khí giá cao (khí từ các mỏ mới hoặc khí LNG nhập khẩu). Đặc biệt, lượng khí nội địa phải ưu tiên tối đa cho các nhà máy điện theo Quy hoạch điện VIII.

Như vậy có thể thấy, với việc CĐNL, Quy hoạch điện VIII và tình hình khí thiên nhiên khu vực Đông Nam Bộ sẽ có tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh của PVFCCo, đặc biệt đối với việc tăng chi phí cho khí nguyên/nhiên liệu và thuế CO2 phát thải trong tương lai gần.

Nhận thức sâu sắc và với tầm nhìn chiến lược tác động của CĐNL đối với Petrovietnam và các đơn vị thành viên, Petrovietnam đã triển khai và chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện thông qua việc thành lập các ban chỉ đạo, Tổ giúp việc, Ban chủ nhiệm chương trình (PVFCCo là thành viên) để triển khai thực hiện. Trong đó, Petrovietnam chỉ đạo các đơn vị thực hiện 3 nhiệm vụ trọng điểm mang tính chiến lược nhằm ứng phó trước tình hình CĐNL và phát triển bền vững ngành Dầu khí có liên quan đến PVFCCo gồm: Tiết kiệm năng lượng, thay thế dần bằng nguồn năng lượng sạch, giảm phát thải CO2; chế biến sâu và phát triển chuỗi giá trị đối với hóa dầu/hóa khí; phát triển Tổ hợp lọc hóa dầu và các dự án hóa chất (dự án thành phần) tại Long Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trên cơ sở chỉ đạo mang tính chiến lược và cấp bách của Petrovietnam, PVFCCo đã khẩn trương triển khai thực hiện: Tái khởi động dự án hợp tác sản xuất hơi cao áp (HP) bằng lò hơi biomass (công suất 37 tấn/giờ); tối ưu hóa nguồn khí nhiên liệu bằng giải pháp chuyển đổi máy phát turbine khí với nguồn điện lưới Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); thu hồi năng lượng nước của dòng condensate xưởng NH3; và các giải pháp khác theo khuyến cáo của Kiểm toán năng lượng... Bên cạnh đó, PVFCCo đã đưa vào chiến lược dài hạn nghiên cứu triển khai các dự án thay thế nguồn khí nguyên/nhiên liệu bằng GH2, GNH3, biomass… đối với Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Đồng thời trên cơ sở nền tảng nhà máy, khu đất mở rộng hiện hữu và các sản phẩm chính (urea và NH3)/sản phẩm trung gian (khí hydro), PVFCCo nghiên cứu hình thành chuỗi hóa chất Nhà máy Đạm Phú Mỹ nhằm chế biến sâu nguồn nguyên liệu khí để nâng cao giá trị gia tăng. Các dự án thuộc chuỗi hóa chất Nhà máy Đạm Phú Mỹ được đưa vào chiến lược phát triển của PVFCCo và đã triển khai như: Dự án nhà máy sản xuất nước oxy già (H2O2) công suất 40.000 tấn/năm (nồng độ 50% kl); Dự án nhà máy sản xuất melamine công suất 40.000 tấn/năm; dự án nhà máy sản xuất adblue công suất 40.000 tấn/năm (nồng 32,5% kl); Dự án thu hồi khí off-gas từ xưởng NH3 sản xuất khí công nghiệp (H2, N2 và Ar)…

Đặc biệt, với tư cách là thành viên của công tác Tổ hợp Lọc hóa dầu Long Sơn, PVFCCo đang khẩn trương nghiên cứu triển khai nhiệm vụ và nỗ lực hoàn thành báo cáo cơ hội đầu tư các dự án thành phần thuộc Tổ hợp đáp ứng tiến độ đề ra.

Đại diện PVFCCo cho biết, dưới sự chỉ đạo của Petrovietnam, đơn vị đang triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó trước tình hình CĐNL, đặc biệt đối với lĩnh vực tiết kiệm, thay thế năng lượng và triển khai các dự án phát triển chuỗi hóa chất Nhà máy Đạm Phú Mỹ. PVFCCo kỳ vọng với những giải pháp, chiến lược đã, đang và sẽ triển khai, PVFCCo sẽ thích ứng toàn diện và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới của CĐNL.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PVFCCo sẵn sàng thích ứng "tiêu chuẩn xanh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO