PVC thử thách từ những công trình

28/11/2016 00:00

(TN&MT) - Là đơn vị chủ lực xây dựng các công trình dầu khí trên đất liền của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVC đã và đang đảm nhiệm nhiều công trình trọng điểm quốc gia, các gói thầu quan trọng có kỹ thuật xây dựng công nghiệp cao. Vinh dự và trọng trách lớn như vậy nhưng mặt khác mức độ rủi ro cũng cực lớn khi chỉ cần một dự án, công trình gặp vấn đề về thanh quyết toán, thu hồi công nợ thì ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kết quả sản xuất kinh doanh của cả tổ hợp.

Nhắc đến Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) và các dự án lớn, trước tiên phải nói đến Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (NMNĐ Thái Bình 2) có công suất thiết kế 1.200MW với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỉ (tương đương 1,7 tỉ USD), mỗi năm sản xuất được khoảng 7 tỉ kWh điện thương phẩm. Hiện nay, doanh thu tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chiếm đến 90% doanh thu của Công ty Mẹ PVC và 70% doanh thu của toàn tổ hợp.

Biết rằng, việc triển khai dự án là phải đối đầu với vô vàn khó khăn và thách thức, đặc biệt là dự án  NMNĐ Thái Bình 2, chính vì vậy Ban lãnh đạo PVC cho rằng đây là dự án ưu tiên số 1 của PVC. Bởi đây không những là một dự án lớn, có tính chất phức tạp mà mức độ rủi ro cũng rất lớn và nguy cơ chậm tiến độ luôn thường trực. Do vậy, để đáp ứng tiến độ và vận hành tổ máy số 1 trong 39 tháng, tổ máy số 2 trong 45 tháng, Ban Điều hành Dự án phải phối hợp chặt chẽ tất cả các khâu với các ban chuyên môn PVC cũng như Ban Quản lý Dự án của Tập đoàn và các đơn vị tham gia khác. Tổng công ty phải có những đột phá giải pháp để tránh những rủi ro phát sinh cũng như nguy cơ chậm tiến độ dẫn đến phạt hợp đồng. Kiểm soát được các rủi ro về vấn đề pháp lý, dòng tiền, tiến độ và giá cả nguyên vật liệu đầu vào thay đổi.

Dự án NMNĐ Thái Bình 2 do PVC làm Tổng thầu EPC
Dự án NMNĐ Thái Bình 2 do PVC làm Tổng thầu EPC

Trong thời gian qua, cùng với sự quam tâm của tập đoàn, một trong những điều đáng ghi nhận của PVC là công tác tiếp thị đấu thầu đã đạt được một số thành quả. Công ty mẹ và các đơn vị thành viên đã rất nỗ lực tìm kiếm tiếp thị tại các công trình, dự án. Toàn tổ hợp đã ký kết được 16 hợp đồng mới với tổng giá trị gần 3.600 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Mẹ PVC ký kết hợp đồng xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu có giá trị hơn 2.555 tỉ đồng, các công ty thành viên ký được 15 hợp đồng có tổng giá trị hơn 1.031 tỉ đồng. Mặt khác, PVC cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Liên doanh Vietsovpetro, ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Posco E&C Việt Nam nhằm tạo cơ hội hợp tác, cùng phát triển trong việc tham gia cung cấp các dịch vụ về xây lắp trong nước và quốc tế.

Được biết, trong năm 2016, Công ty mẹ PVC đã hoàn thành bàn giao một số công trình như: San lấp và xử lý nền Nhà máy Xử lý khí Cà Mau; gói thầu Building 3B tại Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; hoàn thành Trung tâm Phân tích thí nghiệm và Văn phòng Viện Dầu khí phía Nam giai đoạn 1; bàn giao Dự án Âu tàu Rạch Chanh và Trung tâm Điều khiển Âu tàu cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, Tổng Công ty PVC và các đơn vị thành viên đã khởi công gói thầu thi công các hạng mục xây dựng tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, gói thầu thi công các hạng mục xây dựng số 2 thuộc Dự án Nhà máy Xử lý khí Cà Mau…

Những kết quả sản xuất kinh doanh của PVC trong thời gian qua là một tín hiệu đáng mừng, đặc biệt trong giai đoạn ngành dịch vụ dầu khí đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro rất cần đội ngũ CBCNLĐ không ngừng nỗ lực, thực hiện toàn diện các giải pháp về tài chính, nhân sự và sáng tạo trong lao động sản xuất mới có thể giúp PVC ổn định, phát triển bền vững. 

                                                                                                                        LH

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PVC thử thách từ những công trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO