Do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên trong tháng 7/2021, nhu cầu phụ tải trên hệ thống tiếp tục thấp. Nhiều tỉnh thành phố đã tiến hành cách ly xã hội và các nhà máy điện năng lượng mặt trời vẫn đang được huy động tối đa công suất dẫn đến giá thị trường không cao.
Trong tháng 7, EVN/A0 huy động Nhà máy điện (NMĐ) Cà Mau 1&2 với sản lượng thấp, nhiều thời điểm chỉ chạy 1 tổ máy hoặc dừng huy động tất cả các tổ máy. NMĐ Nhơn Trạch 1 được giao sản lượng điện hợp đồng (Qc) cao so với 6 tháng đầu năm (240,3 triệu kWh).
Do giá thị trường nửa cuối tháng 7 rất thấp, nên NMĐ Nhơn Trạch 1 chào giá để dừng máy nhằm tận dụng Qc được giao. NMĐ Nhơn Trạch 2 được giao Qc tương đối cao (328,6 triệu kWh), do giá thị trường không cao so với chi phí biến đổi, nên NMĐ Nhơn Trạch 2 chủ yếu chỉ được huy động 1 tổ máy.
Nhà máy điện Cà Mau 1&2 |
Trong tháng 7, NMĐ Vũng Áng 1 được giao Qc thấp hơn so với các tháng trong 6 tháng đầu năm (365,9 triệu kWh). Tuy nhiên, với giá thị trường trung bình cao hơn giá biến đổi, NMĐ Vũng Áng 1 vận hành vượt Qc được giao. Về các nhà máy thủy điện, NMĐ Hủa Na được giao Qc 42,9 triệu kWh, giá thị trường cao so với giá hợp đồng.
Do thời điểm đầu tháng lượng nước về thấp (chỉ đạt khoảng 40,0 m3/s, bằng 33% so với trung bình hàng năm là 120,6 m3/s), đến cuối tháng lượng nước về đạt mức trung bình năm nên nhà máy vận hành không đạt kế hoạch sản lượng. NMĐ Đắkđrinh được giao Qc 27,5 triệu kWh. Nhà máy đang trong giai đoạn mùa khô nên cân đối chào giá để đạt hiệu quả tối đa và đảm bảo yêu cầu về mực nước giới hạn phục vụ tưới tiêu. Do giá thị trường cao so với giá hợp đồng, nên nhà máy phát sản lượng vượt kế hoạch.
Với các nhà máy điện chỉ phát điện khi có giá thị trường cao, đủ bù đắp chi phí và đảm bảo hiệu quả tối ưu. |
Đối với dự án đầu tư NMĐ Nhơn Trạch 3&4, Ban Quản lý dự án tiếp tục xem xét lựa chọn nhà thầu gói thầu EPC. Tiếp tục thực hiện công tác thu xếp vốn, đàm phán hợp đồng mua bán khí và hợp đồng mua bán điện cho dự án.
Kể từ đầu tháng 7 đến nay, thanh khoản thị trường chứng khoán liên tục giảm mạnh với giao dịch bình quân chỉ còn 18,43 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 16,7% và khối lượng giao dịch còn 562,3 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng giảm 18,9%. Nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng trên sàn HoSE trong tháng 7, với giá trị hơn 4.705 tỷ đồng.
Tính chung cả 3 sàn, dòng vốn khối ngoại mua ròng với giá trị gần 5.073 tỷ đồng trong tháng 7. Cùng chung xu hướng mua ròng của khối ngoại, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng POW với tổng giá trị gần 1,4 tỷ đồng trong tháng 7. Kết thúc phiên 30/7, cổ phiếu POW đóng cửa tại 10.700 đồng/cổ phiếu, giảm 11,2% so với tháng 6.
Thanh khoản có sự sụt giảm rõ rệt với khối lượng giao dịch trung bình đạt 8,88 triệu cổ phiếu/phiên, giảm hơn 30,7% so với tháng 6. Giá trị giao dịch trung bình tương ứng còn gần 96 tỷ đồng/phiên. POW tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với thanh khoản so với các cổ phiếu ngành điện khác với giá trị giao dịch trung bình phiên gấp 21 lần so với cổ phiếu xếp thứ 2 là NT2.
Bước sang tháng 8, PV Power đặt mục tiêu duy trì ổn định, sản xuất an toàn các NMĐ, đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin cho cán bộ, nhân viên, người lao động trực tiếp tại các nhà máy. Dự kiến, sản lượng điện trong tháng là 1,318 tỷ kWh và doanh thu dự kiến ước đạt 2.036 tỷ đồng. Ngoài ra, PV Power sẽ tiếp tục làm việc với EVN/EPTC để đàm phán các PPA, hợp đồng sửa đổi bổ sung PPA cho các NMĐ Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 3&4.