Lễ ký kết vinh dự có sự chứng kiến của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Ông Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Ông Donald Trump cùng đại diện Chính phủ hai nước. Về phía Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) có ông Lê Như Linh – Chủ tịch HĐQT và ông Dương Mạnh Sơn – Tổng Giám đốc. Về phía Tập đoàn AES có ông Mark Green – Chủ tịch AES Châu Á - Châu Âu, Ông David Stone – Tổng giám đốc AES Việt Nam, Ông Nguyễn Hải Long – Giám Đốc Phát Triển Dự Án, Tập đoàn AES. Về phía Tập đoàn Alaska Gasline Development Corporation có Ông Keith Meyer – Tổng Giám đốc, Bà Leiza Wilcox - Phó Tổng Giám đốc.
PV GAS và Tập đoàn AGDC ký biên bản ghi nhớ hợp tác dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Hai Biên bản Ghi nhớ được ký giữa Tổng Công ty Khí Việt Nam và các đối tác Mỹ bao gồm:
- Biên bản Ghi nhớ về khả năng hợp tác đầu tư xây dựng Kho cảng Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Sơn Mỹ giữa Tập đoàn AES và Tổng Công ty Khí Việt Nam. Biên bản thể hiện mong muốn của AES trong việc hợp tác đầu tư xây dựng và phát triển dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ.
- Biên bản Ghi nhớ về khả năng hợp tác trong lĩnh vực cung cấp Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và đầu tư thượng nguồn giữa Tổng Công ty Khí Việt Nam và Tập đoàn Alaska Gasline Development Corporation (AGDC). Biên bản thể hiện mong muốn hợp tác của AGDC trong việc tham gia cung cấp nguồn LNG cho các dự án nhập khẩu LNG tại Việt Nam cũng như xem xét đánh giá các cơ hội tham gia đầu tư phát triển của PV GAS tại các mỏ khí tại Bang Alaska – Mỹ.
Các dự án kho cảng nhập LNG bao gồm dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ có ý nghĩa quan trọng với PVN/PV GAS nói riêng và ngành năng lượng Việt Nam nói chung, góp phần đa dạng hóa nguồn cung khí cũng như đáp ứng nhu cầu lớn về LNG/ điện khí tại Việt Nam trong những năm tới, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia.
Việc ký kết Biên bản Ghi nhớ với các đối tác Mỹ về việc hợp tác đầu tư xây dựng kho cảng và việc cung cấp nguồn LNG cho các dự án nhập khẩu LNG tại Việt Nam mở ra cơ hội mới để PVN/PV GAS mở rộng hợp tác với nhiều đối tác tiềm năng trong lĩnh vực LNG.
Lễ ký kết Biên bản Ghi nhớ này nằm trong chuỗi những sự kiện hợp tác quan trọng trong chuyến đến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Tổng thống Donald Trump, đánh dấu việc tăng cường hợp tác phát triển kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam thời gian tới.
+ Tập đoàn AES là một tập đoàn lớn của Mỹ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối năng lượng điện bao gồm nhiệt điện và năng lượng tái tạo. AES nằm trong danh sách 200 công ty năng lượng có doanh thu lớn nhất toàn cầu được xếp hạng bởi Fortune.
Hiện nay, AES cung cấp nguồn năng lượng bền vững cho 17 quốc gia thông qua các hạng mục kinh doanh đầu tư đa dạng cũng như các nhà máy phát điện tái tạo và nhiệt điện. Doanh thu năm 2016 của AES là 13,6 tỷ USD; sở hữu và quản lý tổng tài sản cố định trị giá 36 tỉ USD. AES đã xây dựng 111 nhà máy phát điện với tổng công suất khoảng 36.000 MW bao gồm nhiều loại công nghệ và nhiên liệu như than, dầu điezen, thủy điện, khí, LNG, dầu, gió, mặt trời, tích năng bằng pin và sinh khối. AES cũng sở hữu 7 công ty điện ở các thị trường khác nhau.
Tại Việt Nam, AES, thông qua công ty con, đã hoàn thiện Dự án Nhiệt điện Mông Dương 2 theo hình thức BOT với công suất 1.240 MW cùng tổng số vốn vay vào khoảng 1,46 tỷ USD. Dự án này đã được xây dựng, hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại từ tháng 4 năm 2015.
. |
+ Tập đoàn Alaska Gasline Development Corporation (AGDC) là tập đoàn trực thuộc Bang Alaska của Mỹ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính và xây dựng phát triển các dự án khí. AGDC do chính quyền Bang Alaska sở hữu toàn bộ và là chủ sở hữu duy nhất của dự án Alaska LNG.
Dự án Alaska LNG có nguồn khí đầu vào từ các mỏ khí khu vực Alaska với tổng trữ lượng lên đến 35 Tcf. Dự án bao gồm nhà máy xử lý khí công suất trung bình 3,5 tỷ feet khối/ngày, đường ống khí thiên nhiên gần 1.300 km và tổ hợp sản xuất LNG công suất 20 triệu tấn/năm gồm 3 dây chuyền có khả năng xử lý 12.500 m3 LNG mỗi giờ, 2 bồn chứa công suất 240.000 m3, 2 cầu tàu có khả năng tiếp nhận tàu công suất đến 217.000 m3 (Q-flex).
Dự án Alaska LNG có chi phí đầu tư ước tính khoảng 43 tỷ USD và dự kiến sẽ được hoàn thành đưa vào vận hành từ năm 2024.
Cẩm Hồ