Số vụ vi phạm giảm đáng kể
Việc đảm bảo an toàn hành lang tuyến ống dẫn khí cả trên bờ, trên biển là nhiệm vụ nặng nề với các thành viên PVN nói chung và PV GAS nói riêng. Theo thống kê của PV GAS, trong năm 2021, đã xảy ra 8 vụ việc vi phạm hành lang an ninh, an toàn công trình khí đối với tuyến ống trên bờ, giảm 2 vụ so với năm 2020. Cụ thể, các đơn vị trong TCT báo cáo, đã xảy ra 1 vụ đào bới trong hành lang tuyến ống; 2 vụ phát hiện mìn đạn pháo và đốt rác; 3 vụ trộm cắp tài sản; 2 vụ xe tải nặng lưu thông trên hành lang tuyến ống.
Đối với đường ống biển, trong phạm vi 12 hải lý không phát hiện vụ việc vi phạm nào. phạm vi ngoài 12 hải lý phát hiện 36 vụ, tăng 1 vụ so với năm 2020. Ngoài ra, qua phần mềm Hải đồ, KĐN còn phát hiện ra 10 vụ vi phạm, giảm hơn 50 vụ so với năm 2020.
Số vụ việc vi phạm hành lang an toàn đã giảm đáng kể so với những năm trước, góp phần đảm bảo quá trình vận hành an toàn, liên tục của các hệ thống đường ống dưới biển. Để có kết quả này, ngay từ tháng 3/2021, PV GAS chủ trì phối hợp với các đơn vị trong PVN thực hiện ký kết Quy trình phối hợp đảm bảo an toàn công trình khí biển. Tuân thủ theo quy trình, các đơn vị đã thực hiện các nguyên tắc phối hợp khi có các hoạt động dầu khí trên hành lang an toàn các đường ống khí/công trình dầu khí của nhau.
Bên cạnh đó, TCT duy trì tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Tổng cục Thủy sản, các đơn vị thuộc PVN trong công tác đảm bảo an ninh an toàn, tuần tra, tuyên truyền và xử lý các vụ vi phạm có khả năng gây mất an toàn cho công trình khí và các hệ thống đường ống dẫn khí.
PV GAS đã duy trì các quy chế phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát PCCC nơi có công trình khí tại các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Thái Bình và tổ chức họp sơ kết định kỳ theo quy định. Tất cả các công trình khí đều đã được xây dựng các Phương án bảo vệ an ninh, an toàn và thường xuyên tổ chức họp, đánh giá tình hình thực hiện. Mạng lưới cộng tác viên dọc tuyến ống gồm 126 người cũng được duy trì để tuyên truyền cho người dân xung quanh hành lang tuyến ống, kịp thời phát hiện các tình huống mất an ninh an toàn.
Việc triển khai áp dụng phần mềm hải đồ giám sát hành lang an toàn tuyến ống biển cũng phát huy hiệu quả tích cực tại hệ thống khí Cửu Long và Nam Côn Sơn. TCT tiếp tục áp dụng phần mềm quản lý đường ống tại hệ thống đường ống PM3 – Cà Mau góp phần giám sát kịp thời và chính xác các tàu/phương tiện neo đậu, hoạt động trong hành lang an toàn tuyến ống ngoài biển.
Tăng cường công tác truyền thông bảo vệ công trình khí
Mặc dù số vụ vi phạm đã giảm, song vẫn còn nhiều rủi ro vi phạm an ninh, an toàn hành lang tuyến ống khí. Công tác truyền thông chưa bao phủ hết các đối tượng có liên quan nên vẫn xảy ra các vụ vi phạm an toàn hành lang tuyến ống dẫn khí, đặc biệt là công tác quản lý hành lang tuyến ống ngoài biển còn nhiều khó khăn do hạ tầng công nghệ và nhận thức về an toàn của ngư dân đánh bắt trên biển chưa đầy đủ.
Thời gian tới, PV GAS sẽ duy trì việc vận hành an toàn, hiệu quả và đảm bảo công tác an ninh, an toàn các công trình khí hiện hữu, công trình/dự án mới đưa vào vận hành. Đặc biệt, tiếp tục duy trì việc phối hợp với Bộ đội Biên phòng các tỉnh, Chi cục thủy sản địa phương nhằm tăng cường công tác truyền thông đối với các hộ dân sống ven tuyến ống bờ và ngư dân đánh bắt gần tuyến ống biển, các doanh nghiệp vận tải biển, bờ.
Đối với các doanh nghiệp vận tải, dịch vụ dầu khí có nhiều tàu hoạt động gần hành lang an toàn các đường ống dẫn khí sẽ triển khai truyền thông trực tiếp. Trên cơ sở đó, thu thập dữ liệu và xây dựng phương án truyền thông bằng tin nhắn thoại.
Trong năm 2022, TCT cũng sẽ làm việc với Tổng cục Thủy sản, đề nghị các Chi cục thủy sản các tỉnh hàng năm cung cấp danh sách các tàu có công suất > 90 CV đánh bắt xa bờ tại khu vực có hành lang an toàn nhằm phân loại dữ liệu tàu cá tại các vùng biển. Hoàn thành cập nhật tọa độ các đường ống dẫn khí dưới biển vào Phần mềm giám sát tàu cá của Tổng cục thủy sản và cấp quyền sử dụng phần mềm này để kiểm soát hành lang an toàn đường ống biển.
Các hội thảo hàng năm về công tác phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho các hoạt động dầu khí trên biển với các đơn vị trong Tập đoàn đến các đối tượng trực tiếp như giàn trưởng, thuyền trưởng, cán bộ an toàn… cũng sẽ được duy trì thường xuyên. Bên cạnh đó, ban hành sổ tay truyền thông an toàn cho các tuyến ống biển và bờ; xây dựng các phim truyền thông dạng hoạt hình để người dân dễ hiểu. Nội dung yêu cầu các phương tiện không tái vi phạm, gây nguy hại đến hệ thống dầu khí quốc gia, an ninh an toàn vùng biển Việt Nam và gây nguy cơ thiệt hại về người và phương tiện khó lường trước được.
Phát biểu tại Hội nghị An toàn – Sức khỏe - Môi trường năm 2022 Phó Tổng giám đốc Petrovietnam ông Lê Xuân Huyên đã đánh giá cao những cố gắng của tập thể Lãnh đạo và CBCNV PV GAS về những thành tựu quan trọng đã đạt được trong năm qua, hoàn thành các nhiệm vụ về công tác ATSKMT, cũng như đóng góp to lớn vào thành tựu của toàn Tập đoàn, trong bối cảnh hết sức khó khăn của năm 2021. Hội nghị lần này là một minh chứng mới cho thấy công tác ATSKMT của PV GAS luôn mạnh mẽ, nhận được sự hỗ trợ, phối hợp, ủng hộ của các ngành, các cấp.
Phó Tổng Giám đốc Lê Xuân Huyên cũng đề nghị PV GAS trong thời gian tới cần tiếp tục quan tâm sâu sát đến công tác ATSKMT, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn lực cho công tác này; tích cực và chủ động phòng chống dịch bệnh, chăm lo cho người lao động; Phát triển sâu rộng văn hoá an toàn có gắn liền với phát triển công nghệ cao; chú trọng các phong trào thi đua gắn với tôn vinh các tấm gương điển hình. Đặc biệt, PV GAS cần luôn ý thức là đơn vị trong top tiên phong về tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn ngành Dầu khí Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính, Quý I/2022 của PV GAS công bố mức doanh thu đạt 26.689 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 4.381 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 3.495 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.
Việc tất cả hệ thống/công trình khí vận hành an toàn và hiệu quả, cấp khí/sản phẩm khí liên tục đã góp phần cho PV GAS đảm bảo cung cấp 2,7 tỷ m3 khí khô; sản xuất và cung cấp 41 nghìn tấn condensate, bằng 180% kế hoạch; sản xuất và kinh doanh 760 nghìn tấn LPG (537 nghìn tấn thị trường trong nước; 223 nghìn tấn xuất khẩu và kinh doanh quốc tế), bằng 146% kế hoạch.