Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn thư kêu cứu của ông Nguyễn Duy Biên Thùy và ông Nguyễn Văn Sáng, người dân có diện tích đất thực hiện Dự án xây dựng trang trại kinh tế nông nghiệp đã được UBND huyện Phúc Thọ phê duyệt tại Quyết định số 383/QD -UBND ngày 17/9/2002 và Dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp được UBND huyện Phúc Thọ phê duyệt tại Quyết định số 532/QD-UBND ngày 4/6/2007. Trong đơn, ông Thùy phản ánh về việc UBND huyện Phúc Thọ thông báo đất và dự án của ông Thùy, ông Sáng sẽ được thu hồi để giao cho Công ty CP phát triển dịch vụ Long Biên xây dựng Cụm công nghiệp Thanh Đa.
Theo ông Thùy, do dự án trang trại của các ông đang bắt đầu đi vào giai đoạn thu hoạch để thu hồi vốn nên ông đã không đồng ý với việc thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp kinh doanh. Ông Thùy còn bức xúc cho biết, dù gia đình ông và nhiều hộ gia đình chưa bị thu hồi và Công ty CP phát triển dịch vụ Long Biên chưa có quyết định giao đất, chưa giải phóng mặt bằng nhưng Công ty đã tiến hành thu tiền, góp vốn đầu tư để được chia đất.
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, Cụm công nghiệp Thanh Đa được UBND TP Hà Nội thành lập theo Quyết định số 2743/QĐ-UBND ngày 26/6/2020 do ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký. Trong đó nêu rõ “Cụm công nghiệp Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội có quy mô: khoảng 8,3ha. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: Công ty cổ phần phát triển dịch vụ Long Biên, do ông Nguyễn Đức Thuận làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tổng mức vốn đầu tư khoảng 227,5 tỷ đồng. Vốn tự có của chủ đầu tư (30%): 68,3 tỷ đồng, vốn vay của ngân hàng (5 0%): 113,7 tỷ đồng, vốn huy động từ nhà đầu tư thứ phát (20%): 45,5 tỷ đồng. Trách nhiệm của Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là lập phê duyệt và triển khai Dự án tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng và môi trường; đảm bảo tuân thủ quy hoạch, chức năng sử dụng ô đất, quy mô và tiến độ được duyệt. Triển khai công tác giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố. Chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chuẩn xác và tính hợp pháp của các thông tin, số liệu, tài liệu gửi kèm hồ sơ đề xuất; đảm bảo về mức vốn chủ sở hữu, vốn vay, vốn huy động; bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật. Được thuê đất để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Thanh Đa theo quy định tại Điều 149 Luật Đất đai; Sử dụng đất đúng mục đích để xây dựng công trình theo quyết định giao đất, cho thuê đất; Đảm bảo các điều kiện để được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4, Điều 58 Luật Đất đai năm 2013.
Nghiêm cấm thực hiện việc chuyển nhượng dự án và huy động vốn trái quy định pháp luật dưới mọi hình thức để triển khai dự án, trường hợp vi phạm sẽ bị thu hồi, xử lý theo đúng quy định của pháp luật...”
Để khách quan thông tin, phóng viên Báo Tài Nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đa. Ông Mạnh cho biết: Sau khi được UBND TP. Hà Nội phê duyệt, năm 2021, UBND huyện Phúc Thọ phê duyệt tỷ lệ 1/500. Dự án được quy hoạch 10ha nhưng thực hiện chỉ hơn 8ha gồm 74 hộ dân thuộc đất quỹ 1 và 4 hộ dân thuê thầu đất công ích. Dự án mới có thông báo thu hồi đất nhưng chưa có quyết định giao đất và cũng chưa làm mặt bằng.
Cuối tháng 12/2021, Công ty CP phát triển dịch vụ Long Biên có về UBND xã để nhờ hội trường của UBND xã mời gọi đầu tư, góp vốn. UBND xã cũng đã trao đổi việc huy động vốn với doanh nghiệp, kể cả các phòng, ban của huyện và báo cáo Phó Chủ tịch huyện phụ trách.
Còn phía xã không đủ thẩm quyền để ngăn chặn vụ việc mà xã chỉ công khai thông tin cho người dân biết như doanh nghiệp về mời gọi đầu tư những người có điều kiện, nhu cầu. Tuy nhiên, khi phóng viên cho rằng việc huy động vốn khi chưa có quyết định bàn giao đất và chưa làm xong mặt bằng thì chủ đầu tư huy động vốn là trái với quy định của pháp luật thì ông Mạnh không trả lời được mà chỉ cho rằng quan điểm của UBND xã là giải quyết khu vực cụm công nghiệp, ưu tiên các thôn quanh khu vực giải tỏa và công khai nội dung doanh nghiệp về phối hợp trên địa bàn để mời gọi đầu tư.
Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP phát triển du lịch Long Biên cho rằng, không có việc Công ty huy động vốn từ Cụm công nghiệp Thanh Đa. Khi phóng viên đưa ra các hợp đồng hợp tác đầu tư, phiếu thu mà Công ty đã huy động vốn từ các nhà đầu tư thì ông Thuận mới cho biết, khi TP. Hà Nội có quyết định thành lập Cụm công nghiệp Thanh Đa và giao cho Công ty làm hạ tầng kỹ thuật thì Công ty được phép huy động vốn từ các nhà đầu tư thứ phát và những người góp vốn đều là cổ đông của Công ty và người nhà trong gia đình.
Sau khi phía Công ty đền bù giải phóng mặt bằng được 74 hộ dân, Công ty cũng đã mời tất cả nhưng hộ dân có xưởng trên địa bàn xã đến phổ biến và phát hợp đồng đầu tư thứ phát để những người có nhu cầu nghiên cứu - ông Thuận cho biết thêm.
Đề nghị UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ vụ việc tránh tình trạng khiếu nại kéo dài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...