Phúc thẩm đại án Phạm Công Danh gần 1 tháng

27/12/2016 00:00

(TN&MT) - Sáng 27/12, Tòa án Cấp cao tại TPHCM đưa Phạm Công Danh– Cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Dự kiến phiên tòa kéo dài từ ngày 27/12 đến ngày 25/1/2017.

Phiên tòa sơ thẩm không đạt kết quả

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, với hai tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cựu Chủ tịch HĐQT VNCB nhận mức án 30 năm tù giam.

Tuy nhiên, Phạm Công Danh và những người có cùng quyền lợi, liên quan tại phiên tòa đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Phiên tòa cấp phúc thẩm hôm nay cũng xem xét kháng cáo của các bị cáo là thuộc cấp của Phạm Công Danh tại Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB.

Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh ngày 27/12
Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh ngày 27/12

Trong đó, đáng chú ý của Phan Thành Mai (SN 1971) – cựu TGĐ VNCB. Mai kháng án xin giảm nhẹ hình phạt. Mai bị tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 22 năm tù giam với hai tội danh.

Cụ thể, theo bản án sơ thẩm, Ngân hàng VNBC được Ngân hàng nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu ngày 6/9/2012. Phạm Công Danh với vai trò Chủ tịch HĐQT đã chỉ đạo thuộc cấp thực hiện lập các hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking rút 63 tỉ đồng, lập hồ sơ khống thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM gây thiệt hại gần 600 tỷ.

Cựu Chủ tịch HĐQT VNCB cũng chỉ đạo rút trên 5.000 tỉ đồng tại VNCB nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản, chỉ đạo lập hồ sơ khống cho vay gây thiệt hại 2.000 tỉ đồng. 

Thông qua sử dụng pháp nhân là các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh để xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT không có thật, chỉ đạo định giá nâng khống giá các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng và lô đất tại 209 Trường Chinh, TP Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo…

Tại bản án sơ thẩm, Phạm Thị Trang bị khởi tố điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò đồng phạm của Phạm Công Danh.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Trang không có mặt, phiên tòa phúc thẩm cũng vậy. Hiện Trang được xác định đã xuất ngoại. Trang là em gái của bị cáo Phạm Việt Thép – bị cáo trong vụ án này. Phạm Việt Thép bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Phiên xét xử phúc thẩm đại án Phạm Công Danh

Phiên tòa phúc thẩm ngoài Phạm Công Danh còn có 24 bị cáo kháng cáo. Phiên tòa có 162 tổ chức, cá nhân tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trong đó có 27 người kháng cáo.

Đáng chú ý, bà Hứa Thị Phấn – đại diện nhóm Phú Mỹ - người từng bán Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh có đơn kháng cáo nhưng xin xét xử vắng mặt.

Ông Nguyễn Việt Hà – TGĐ Công ty CP Quản lý Quỹ Lộc Việt cũng có đơn kháng cáo nhưng xin xét xử vắng mặt.

Bị cáo Phạm Công Danh có 5 luật sư bào chữa, bị cáo Phan Thành Mai có 4 luật sư bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm.

Được nêu ý kiến, Phạm Công Danh vẫn như mở đầu phiên tòa sơ thẩm, cựu Chủ tịch HĐQT VNCB lại luôn nại lý do sức khỏe: “Trí nhớ tôi không tốt, sức khỏe kém”.

Phạm Công Danh muốn sự có mặt của ông Trần Quý Thanh – Tập đoàn Tân Hiệp Phát và đại diện cho Công ty Phương Trang có mặt tại phiên tòa. Ông Trần Quý Thanh đã ủy quyền cho con gái là bà Trần Ngọc Bích tham gia tranh tụng tại tòa phúc thẩm.

Luật sư Phan Trung Hoài – bào chữa cho Phạm Công Danh cho rằng, việc triệu tập Phạm Thị Trang – Trang Phố núi rất quan trọng đối với vụ án.

Luật sư Kiều Vũ Thùy Uyên – bảo vệ quyền lợi cho nhóm Trần Ngọc Bích nêu ý kiến đề nghị triệu tập thêm người liên quan trong đó có thanh tra giám sát NHNN để làm rõ quan hệ tín dụng giữa nhóm Trần Ngọc Bích và VNCB.

Luật sư Lưu Văn Tám đề nghị triệu tập Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương. Hà Văn Thắm đang bị bắt tạm giam về 3 tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại phần làm thủ tục, ý kiến của đại diện VKS, trả lời ý kiến của những người tham gia tố tụng cho hay: Việc triệu tập ông Trần Quý Thanh đã được thực hiện đúng quy trình, thủ tục. Ông Trần Quý Thanh có đơn xét xử vắng mặt và đã ủy quyền cho người khác tham gia tranh tụng.

Đối với ý kiến về trường hợp của Phạm Thị Trang – tức Trang Phố núi, cơ quan tố tụng đã triệu tập và cũng đã nhận được đơn xin xét xử vắng mặt và có xác nhận của cơ quan chức năng.

Về trường hợp đề nghị triệu tập Hà Văn Thắm, Công ty Phương Trang… nếu có căn cứ xác định liên quan đến vụ án thì đề nghị HĐXX xem xét quyết định.

Sau khi hội ý, HĐXX phiên tòa phúc thẩm cho biết: Chấp nhận toàn bộ ý kiến của VKS. HĐXX quyết định sẽ tiến hành xét xử vụ án. Trong quá trình xét xử nếu thấy cần thiết sẽ triệu tập những người khác.

Chủ tọa cũng bác quan điểm của luật sư về yêu cầu thay đổi thẩm phán - người xét xử vụ án Võ Văn Minh về tội Cưỡng đoạt tài sản. Theo đó, vấn đề luật sư đưa ra là hai vụ án Võ Văn Minh và vụ án Phạm Công Danh không liên quan đến nhau nên không chấp nhận ý kiến của luật sư.

Trước đó, luật sư Trần Minh Hải đặt vấn đề, việc thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên tham gia phiên tòa phúc thẩm Phạm Công Danh là liệu có đảm bảo tính khách quan.

Phiên tòa tiếp tục với phần kiểm tra căn cước của các bị cáo trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.

Trong các bị cáo có hai cặp vợ chồng phải hầu tòa gồm: Nguyễn Quốc Thịnh và Hồ Thị Đi; Bùi Thị Hà Thu và Nguyễn An Vinh. Họ là thuộc cấp của Phạm Công Danh tại Tập đoàn Thiên Thanh hoặc người thân và được cựu Chủ tịch ngân hàng thuê làm giám đốc cho các công ty của Tập đoàn Thiên Thanh. 

Với pháp nhân là các công ty do các GĐ thuê đứng tên, Phạm Công Danh đã rút số tiền hơn 5000 tỷ đồng của VNCB.

Trong hai cặp vợ chồng, phiên phúc thẩm chỉ có Nguyễn Quốc Thịnh và Bùi Thị Hà Thu kháng cáo.

Vợ của Phạm Công Danh bà Quách Kim Chi cũng được triệu tập và có mặt tại phiên tòa phúc thẩm.

Bà Chi được cho là có 20% vốn điều lệ tại Tập đoàn Thiên Thanh, Phạm Công Danh 80%. Tập đoàn Thiên Thanh có vốn chủ sở hữu là 1000 tỷ đồng

Bản án sơ thẩm nêu, Tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh phải liên đới bồi thường hơn 930 tỷ đồng thông qua hành vi ủy thác đầu tư trái phép cổ phiếu thông qua Quỹ Lộc Việt.

Ngoài ra Tập đoàn Thiên Thanh và Phạm Công Danh cũng liên đới bồi thường cho VNCB (nay đổi tên là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - CB) các khoản tiền liên quan đến các khoản vay của các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh như: Hai khoản vay trị giá gần 190 tỷ đồng của Công ty Thịnh Quốc và Công ty Đại Hoàng Phương, hay khoản vay hơn 257 tỷ đồng của Công ty Thành Trí…. Các công ty này cựu chủ tịch ngân hàng lập ra đều đưa nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên giám đốc “hờ”. Mọi con dấu và các khoản vay đều do Phạm Công Danh chỉ đạo.

Đại diện của Tập đoàn Thiên Thanh tại phiên tòa phúc thẩm là ông Phạm Công Trung – em trai của bị cáo Phạm Công Danh.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang – nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, người liên quan đến hành vi lập khống hồ sơ vay tiền của các công ty con của Phạm Công Danh. Xuyên suốt quá trình, Trang là người hướng dẫn các giám đốc “hờ” đăng ký pháp nhân công ty, quản lý con dấu các công ty…

Bà Quỳnh Trang không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bố của bà Quỳnh Trang là Nguyễn Hữu Duyên cũng bị cáo trong vụ án này.

Đại diện ủy quyền của nhóm Trần Ngọc Bích – nhóm gửi tiền vào VNCB có 3 người tham gia tranh tụng gồm: bà Trần Ngọc Bích, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo và ông Phan Hữu Tuấn.

Ngoài ra đại diện các cơ quan giám định, cơ quan thẩm định giá, đại diện pháp luật của các công ty liên quan đến vụ án này cũng có người đại diện ủy quyền tham gia tranh tụng.

Tiếp tục tại phần thủ tục, các bị cáo Phạm Công Danh – cựu Chủ tịch VNCB, Phan Thành Mai – cựu TGĐ VNCB và Hoàng Đình Quyết - cựu PGĐ VNCB Chi nhánh Sài Gòn, cựu GĐ VNCB Chi nhánh Lam Giang nêu ý kiến về việc thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên tham gia tố tụng.

Luật sư Trần Minh Hải vẫn bảo lưu quan điểm về sự tham gia của thẩm phán Duyên.

Vấn đề này, công tố viên cho rằng yêu cầu của luật sư và bị cáo không phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự liên quan thay đổi thành phần HĐXX. 

Theo đại diện cơ quan công tố, việc thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên tham gia xét xử không ảnh hưởng đến sự vô tư khách quan của HĐXX.

VKS nêu tiếp quan điểm đề nghị HĐXX triệu tập thêm Trần Trọng Nghĩa – cựu Phó phòng kinh doanh VNCB Chi nhánh Sài Gòn để làm rõ vấn đề lên quan.

Đối với ý kiến thay đổi thẩm phán của luật sư và các bị cáo, HĐXX cho hay: Sau khi thảo luận, HĐXX xét thấy các lý do của luật sư và bị cáo đều không thuộc quy định ở các điều 42, điều 46 Bộ luật Tố tụng hình sự. Do vậy HĐXX không chấp nhận yêu cầu thay đổi thẩm phán.

Kết thúc phần thủ tục, tòa nghỉ. Ngày mai, 28/12 theo đúng trình tự tố tụng, phiên tòa sẽ bước vào phần xét hỏi.

PV tiếp tục cập nhật thông tin tới bạn đọc

Hoàng Nam

<_o3a_p>

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phúc thẩm đại án Phạm Công Danh gần 1 tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO