Phú Yên: Vận hành an toàn hồ thủy điện, thủy lợi trong mùa mưa lũ

27/11/2014 00:00

(TN&MT) - Phú Yên là tỉnh nằm ở hạ du sông Ba, chịu tác động nhiều nhất trong quá trình xả lũ của các nhà máy ở thượng nguồn.

   
(TN&MT) - Phú Yên là tỉnh nằm ở hạ du sông Ba, chịu tác động nhiều nhất trong quá trình xả lũ của các nhà máy ở thượng nguồn. Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT– TKCN) tỉnh, các chủ hồ đã có quy chế phối hợp thống nhất phương thức điều tiết nước, giảm lũ cho hạ du.
   
   
Vận hành hiệu quả liên hồ thủy điện
   
  Đến nay các nhà máy thủy điện trên sông Ba đã xây dựng trạm cảnh báo tự động để cảnh bảo cho nhân dân vùng hạ du biết khi xả lũ. Các nhà máy cũng xây dựng bản đồ ngập lụt và hệ thống cột báo ngập lũ hạ du sông Ba để dự báo mức lũ, chủ động trong công tác PCTT.
   
  Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, quy trình vận hành liên hồ mới thay thế quy trình cũ có nhiều điểm tích cực, khẳng định trách nhiệm của chính quyền địa phương. Quy trình mới quy định duy trì mực nước cao nhất trước lũ của các hồ vào đầu mùa mưa lũ và tăng dung tích phòng lũ đáng kể của các hồ. Trong đó, hồ thủy điện Sông Ba Hạ dành 80,31% dung tích hữu ích để phòng lũ (quy trình cũ là 56,35%). Việc giảm dung tích hữu ích các hồ tuy không cắt được lũ, nhưng tạo điều kiện để giảm đỉnh lũ cũng như thay đổi thời điểm lũ đạt đỉnh, tạo điều kiện để vận hành xả lũ êm hơn lũ tự nhiên. Ngoài ra, quy trình mới không quy định thời gian thông báo trước khi xả lũ như trước đây mà có thể thông báo xả lũ ngay, nhưng mức xả tại thời điểm thông báo còn khá nhỏ nên tạo ra lưu lượng lũ xả nhỏ. Việc xả lũ như trên sẽ cho người dân biết có lũ và lũ đang lên dần, thời gian nước lũ dâng của vùng hạ du sẽ được kéo dài hơn lũ tự nhiên.
   
  Hiện nay, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh quyết định việc vận hành các hồ trong mùa lũ, chứ không phải là chủ hồ như trước đây; việc điều tiết nước các hồ mùa lũ căn cứ trên dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, chứ không phải là dự báo của phía chủ hồ. Vì vậy, sẽ không còn tình trạng lũ chồng lũ như các năm trước. Bên cạnh đó, thông tin phòng chống lụt bão được tổ chức theo cấp chính quyền từ tỉnh xuống huyện, xã, đến tận người dân, do đó công tác vận hành liên hồ chứa có tính ràng buộc.
   
  Điểm mới hiện nay là quy trình vận hành liên hồ chứa có phạm vi điều tiết lũ giữa các tỉnh nằm ven sông Ba gồm Đắk Lắk, Gia Lai và Phú Yên. Vì vậy, theo Sở NN-PTNT, ngành khí tượng thủy văn và các đơn vị quản lý hồ chứa phải tăng số lượng các trạm quan trắc và thông tin ngay số liệu quan trắc cho các cơ quan, đơn vị liên quan để tăng khả năng dự báo, cảnh báo sớm trong vận hành hồ chứa phù hợp. Các thủy điện cần đầu tư thêm trạm cảnh báo tự động đến tận cấp thôn buôn vùng hạ du nhằm cảnh báo sớm đến người dân. Ban chỉ huy PCTT- TKCN tỉnh phải được cung cấp thông tin, số liệu quan trắc của các đơn vị vận hành hồ trong và ngoài tỉnh để chủ động trong phối hợp vận hành liên hồ chứa. Hệ thống trạm quan trắc khí tượng thủy văn trên lưu vực các sông phải đảm bảo đủ dày, nhất là ở thượng nguồn để đánh giá đúng mức tình hình lũ lụt. Khi triển khai thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, các bộ, ngành Trung ương cần hỗ trợ, tăng cường năng lực chuyên môn và tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh ra những quyết định quan trọng, hạn chế ảnh hưởng đến sinh mạn, tài sản của người dân vùng hạ du.
   
  Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, những năm qua, các nhà máy thủy điện cũng đã thực hiện tuy không lớn việc hỗ trợ cho nhân dân vùng hạ du những vật dụng cần thiết trong phòng tránh lụt bão. Tuy nhiên, để tạo sự gắn bó chặt chẽ hơn lợi ích của nhà máy và người dân, các nhà máy cần phải thay đổi tư duy từ hỗ trợ sang thực hiện trách nhiệm xã hội của mình.
   
Chủ động điều tiết nước các hồ thủy lợi
   
  Đối với các hồ thủy lợi, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành phương án phòng, chống lụt bão, các quy chế, việc vận hành điều tiết nước đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; đồng thời chủ động cấp nước phục vụ dân sinh, nông nghiệp và các nhu cầu dùng nước khác theo nhiệm vụ, thiết kế được duyệt, không để gây ra biến động dòng chảy đột ngột vùng hạ du.
   
  Theo đó, các chủ đập có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp huyện, xã xây dựng hoặc cập nhật bổ sung phương án phòng chống lụt, bão cho hồ chứa nước và phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du. Đồng thời tổ chức thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trong trường hợp công trình xảy ra sự cố, UBND cấp huyện, xã có trách nhiệm phối hợp với chủ đập điều động lực lượng, phương tiện, vật tư ứng cứu.
   
  Trong quá trình xả lũ, chủ đập phải báo cáo Sở NN-PTNT, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; thông báo cho chính quyền địa phương để triển khai phương án phòng chống lụt bão theo từng tình huống, phổ biến đến nhân dân vùng hạ du và các cơ quan liên quan về việc xả lũ, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Trong trường hợp đặc biệt, khi mực nước hồ đang lên và dự báo phạm vi lưu vực hồ chứa có mưa to, rất to, chủ đập vận hành mở tối đa cống lấy nước để kết hợp xả lũ, đồng thời báo cáo Sở NN-PTNT và Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh…
   
   
Bài & ảnh: Phương Nam
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Yên: Vận hành an toàn hồ thủy điện, thủy lợi trong mùa mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO