Phú Yên: Sông Ba sạt lở làm mất đất sản xuất của người dân

Mỹ Bình | 16/09/2022 20:39

Nhiều năm nay, sông Ba đoạn qua các xã Hòa Định Tây, Hòa Thắng, Hòa An của huyện Phú Hòa bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều diện tích bị bồi lấp khiến cho các hộ dân sinh sống bên bờ sông mất đất sản xuất, nhà cửa có nguy cơ bị hư hại.

Sông Ba (sông Cha) bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Rô (tỉnh Kom Tum), ở độ cao 1.549 m so với mặt nước biển. Sông dài 388 km, chảy qua 3 tỉnh Kom Tum, Gia Lai, Phú Yên và đổ ra biển Đông tại cửa Đà Diễn. Sông Ba mang nặng phù sa, trẻ mãi không già.

a7495f6cdb4b1f15465a.jpg
 Sông Ba bị sạt lở vì mưa lũ hàng năm và nạn khai thác cát 

Thế nhưng nhiều năm nay, sông Ba bị sạt lở hai bên bờ sông làm thay đổi dòng chảy, xuất hiện nhiều cồn cát cùng với nạn khai thác cát trên sông Ba và mưa lũ hàng năm, khiến cho con sông bị sạt lở nghiêm trọng lấn dần vào đất sản xuất, cây hoa màu và nhà cửa của người dân.

img_9577.jpg
 Bờ sông Ba bị sạt lở nghiêm trọng 

Ghi nhận của phóng viên trong những ngày gần đây, một số đoạn bờ sông Ba đi qua xã Hòa An, huyện Phú Hòa sạt lở sâu vào diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Nhiều dấu vết sạt lở còn khá mới tạo nên các bờ vực cao hơn 2 m, có đoạn sạt lở với chiều dài gần 20 m bờ sông, nhiều bờ tre và cây cối nằm dọc sát bờ sông ngã đổ do đất bị nước cuốn trôi.

img_9614.jpg
 Những khoảnh sạt lở  ăn sâu vào đất liền mất đất sản xuất của người dân 

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Tư, sinh sống ở thôn Vĩnh Phú, xã Hòa An cho biết: Trước đây gia đình tôi khai hoang được 1.000 m2 đất hoa màu tại khu vực bờ sông Ba. Tuy nhiên, qua nhiều năm, bờ sông Ba sạt lở làm cho khoảng 750 m2 đất trôi dần theo dòng nước, hiện gia đình chỉ có thể trồng cỏ trên phần diện tích còn lại nhưng cũng có nguy cơ mất đất trong mùa mưa lũ tới.

6ff298801ca7d8f981b6.jpg
 Người dân phản ánh tình trang sat lở sông Ba 

Cũng tại thôn Vĩnh Phú, xã Hòa An, nhiều hộ dân phản ánh tình trạng bờ sông Ba sạt lở dần qua các mùa mưa bão khiến cho nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc khai thác cát trong lòng sông của một số doanh nghiệp và tận thu đất ven bờ sông của một số người dân khiến cho việc sạt lở bờ sông ngày thêm nghiêm trọng.

Không chỉ có ở xã Hòa An mà bờ sông Ba đoạn qua các xã Hòa Định Tây, xã Hòa Thắng và thị trấn Phú Hòa của huyện Phú Hòa cũng bị sạt lở gần sát vào nhà người dân. Nhiều diện tích đất nông nghiệp ven sông cũng bị trôi sụt, tạo nên các hầm hố sâu, bờ dốc dựng đứng làm cho việc sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn.

Bà Trần Thị Nhỏ, sinh sống tại thị trấn Phú Hòa cho biết: Gia đình tôi sinh sống tại khu vực bờ sông Ba từ nhiều năm nay. Trước đây căn nhà của tôi cách bờ sông khoảng 200 m mà nay chỉ còn cách bờ sông hơn 10 m. Trong mỗi mùa mưa lũ, nước sông dâng cao vào sát mép nhà khiến cho gia đình lo lắng, phải di dời đến nơi khác ở.

Cũng giống như gia đình bà Trần Thị Nhỏ, nhà cửa nhiều hộ dân sinh sống sát bờ sông Ba thuộc thị trấn Phú Hòa, xã Hòa Định Tây và xã Hòa Thắng cũng có nguy cơ hư hại, cuốn trôi khi tình trạng sạt lở bờ sông tiếp tục diễn ra. Nhiều người dân mong muốn chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tìm hiểu nguyên nhân và thực hiện các giải pháp ngăn chặn tình trạng này.

4b51a1772550e10eb841.jpg
 Sông Ba đang nặng lòng gánh ba mỏ cát của ba doanh nghiệp 

Thông tin với phóng viên, ông Võ Huy Thạc, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Hòa cho hay: Hiện nay cơ quan chức năng của huyện đã ghi nhận tình trạng sạt lở bờ sông Ba, chủ yếu thuộc các xã Hòa Định Tây, Hòa Thắng, Hòa An và thị trấn Phú Hòa, tổng chiều dài chưa có kè sông khoảng 10 km. Về nguyên nhân sạt lở, cơ quan chức năng huyện cũng chưa thể xác định được.

z3722762585535_a9a6f05a61e0d50c65be41ab127f5789-copy.jpg
 Bãi tập kết cát nằm dọc sông Ba 

Riêng phản ánh của người dân về việc khai thác cát trong lòng sông của các doanh nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông, ông Võ Huy Thạc cho biết, hiện nay sông Ba đoạn qua huyện Phú Hòa có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát sông phục vụ cho việc xây dựng và san lấp. Qua 3 đợt kiểm tra từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp này đều chấp hành đúng quy định về vị trí, sản lượng khac thác. Nguyên nhân sạt lở có phải do khai thác cát sông hay không thì phải có kiểm tra, đánh giá thêm của cơ quan chuyên môn.

z3722762512526_6809ab01c8cc1cbef6f132a1d65089fb.jpg
 Vừa hút vừa múc cát trên sông Ba

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết: Việc sạt lở ven bờ sông Ba đoạn qua huyện Phú Hoà có xảy ra trong nhiều năm qua, ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp và nhà của của người dân. Tuy nhiên, địa phương chưa thống kê được diện tích bị thiệt hại cũng như số hộ dân bị ảnh hưởng. Về nguyên nhân sạt lở có thể là do thiên tai. Trong thời gian tới, UBND huyện Phú Hòa sẽ tiếp tục kiến nghị cơ quan cấp trên triển khai xây dựng bờ kè sông Ba ở những đoạn chưa được xây dựng để sớm khắc phục tình trạng sạt lở, ổn định đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Yên: Sông Ba sạt lở làm mất đất sản xuất của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO