Phù Yên (Sơn La): Xây dựng 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường năm 2024
(TN&MT) - UBND huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La vừa ban hành Kế hoạch số 282/KH-UBND, về Kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường.
Trong giai đoạn 2 năm 2022-2023, thực hiện lồng ghép công tác bảo vệ môi trường với chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện Phù Yên đã ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trên các lĩnh vực nhằm triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020; tăng cường công tác thu gom, xử lý chất thải; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường; xử lý, khắc phục các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; tổ chức sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường…
Công tác bảo vệ môi trường tiếp tục được quan tâm ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư cũng như xem xét, lựa chọn, xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 Cụm công nghiệp, tuy nhiên số lượng cơ sở sản xuất ít, nước thải phát sinh chủ yếu là nước thải sinh hoạt, không phát sinh nước thải công nghiệp.
UBND huyện đã chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định Kế hoạch bảo vệ môi trường; đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, xác nhận sau thẩm định. Từ năm 2022 đến nay, đã cấp 5 Giấy phép môi trường cho các cơ sở, dự án trên địa bàn.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, kiểm soát, xử lý, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Thông qua đó, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Tăng cường năng lực ứng phó BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính.
Nhờ đó, đến nay, một số chỉ tiêu môi trường chính huyện đã đạt được, gồm: Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 49%; 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch; 94% chất thải rắn khu vực đô thị, 88% khu vực nông thôn được thu gom...
Theo lãnh đạo UBND huyện Phù Yên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 ra đời cùng với các cơ sở pháp lý trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được củng cố và tăng cường đã giúp cho công tác quản lý, kiểm soát môi trường ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đem lại hiệu quả thiết thực thông qua các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…
Các sở, ban, ngành đoàn thể của huyện và các cơ quan liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã từng bước nâng cao ý thức tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Chất lượng môi trường khu vực đô thị, nông thôn, khu dân cư tập trung dần được cải thiện.
Năm 2024, huyện Phù Yên tiếp tục đề ra 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch bảo vệ môi trường. Theo đó, sẽ tiếp tục hỗ trợ xử lý các điểm gây bức xúc môi trường ở địa phương. Triển khai phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt khu vực đô thị và nông thôn theo hướng giảm tỷ lệ chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng rác thải. Có chính sách thu hút xã hội hóa công tác xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp.
Nâng cao chất lượng thẩm định, cấp Giấy phép môi trường. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương lồng ghép với nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Tập trung giám sát các dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.
Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ cấp huyện đến cấp xã; bảo đảm ở cấp huyện có có cán bộ chuyên môn về quản lý môi trường chuyên trách, cấp xã có cán bộ phụ trách công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm, kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn quản lý.
Đổi mới nội dung, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng, đặc biệt là công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn, phòng chống rác thải nhựa và các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, không sử dụng túi nilong... Phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đoàn thể chính trị, cơ quan truyền thông đại chúng; thường xuyên phát động các hoạt động ra quân bảo vệ môi trường...