(TN&MT) - Năm nay, người trồng rừng ở Phú Yên phấn khởi vì giá gỗ tăng hơn 200.000 đồng/tấn so với năm 2014. Ngày công khai thác rừng cũng tăng từ 20.000 đến 50.000 đồng so với mọi năm. Hiện nhu cầu khai thác rừng trồng cũng tăng theo để đáp nhu cầu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu.
Người dân huyện miền núi Sơn Hoà phấn khởi khai thác rừng trồng |
Gỗ được giá
Phú Yên có gần 67.000ha rừng trồng, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi, trong đó huyện Đồng Xuân chiếm hơn 13.000ha. Nếu như năm 2014, giá gỗ keo giao động từ 1 đến 1,1 triệu đồng/tấn, thì hiện nay tăng lên hơn 1,3 triệu đồng/tấn, còn gỗ bạch đàn ổn định ở mức hươn 1,1 triệu đồng/tấn. Thông thường, người dân bán rừng trực tiếp cho các thương lái với giá thỏa thuận, thu lãi bình quân 50 triệu đồng/ha. Sau khi khai thác, lột vỏ, thương lái vận chuyển đi các nhà máy trong và ngoài tỉnh tiêu thụ, chủ yếu là ở tỉnh Bình Định. Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa trồng được 3ha keo, năng suất hơn 200 tấn, lãi hơn 100 triệu đồng. “Nhờ thu nhập từ rừng kết hợp với trồng mía nên kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn. Mùa mưa tới, tôi tiếp tục trồng lại, hy vọng vài năm sau rừng cho thu nhập cao”, ông Hùng phấn khởi, nói.
Ông Đỗ Văn Tùng ở thôn Phú Hội, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân mua lại hơn 2ha rừng keo của người dân với giá 110 triệu đồng, hiện đang khai thác năng suất ước đạt từ 130 đến 150 tấn, lãi khoảng 15 đến 20 triệu đồng. Người trồng rừng trúng lớn, thương lái có thu nhập cao, ngày công khai thác, lột vỏ keo cũng tăng từ 20.000 đến 50.000 đồng so với mọi năm. Ông Nguyễn Văn Trí ở thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, người làm công cho hay: “Tranh thủ thời gian chưa tới mùa gặt lúa, tôi đi chặt keo thuê được 4 ngày, thu nhập hơn 1 triệu đồng. Nếu có việc làm dài hạn với công lao động hơn 200.000 đồng/ngày như hiện nay thì cuộc sống gia đình cũng đỡ phần nào”.
Huyện Sơn Hòa có tổng diện tích rừng trồng trên 7.000ha. Từ năm 2010dến 2014, mỗi năm địa phương này trồng được 670ha. Năm 2014, Sơn Hòa khai thác được khoảng 150ha rừng, năng suất bình quân gần 60m3/ha. Ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho hay, vài năm trở lại đây, gỗ rừng trồng được giá, nhất là đầu năm 2015 nên người dân tích cực tham gia trồng rừng, chủ yếu là cây keo. Nhờ vậy mà diện tích rừng trồng của huyện ngày càng tăng, độ che phủ ngày càng lớn và đến năm 2015 đạt trên 35% diện tích tự nhiên.
Theo Chi cục Lâm nghiệp Phú Yên, trong gần 67.000ha rừng trồng, rừng khép tán (trên 3 năm tuổi) chiếm 61.300ha. Riêng năm 2014, toàn tỉnh khai thác được gần 25.000m3 gỗ, năng suất bình quân hơn 40m3/ha. Từ đầu năm 2015 đến nay, giá gỗ tăng cao, những khu rừng đến tuổi trưởng thành, người dân phấn khởi khai thác bán cho các nhà máy đem lại thu nhập cao.
“Hút” nguyên liệu
Các nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu ở tỉnh Bình Định cho biết, giá gỗ rừng trồng tăng cao là do nhu cầu xuất khẩu dăm gỗ sang thị trường Trung Quốc tăng. Hiện nước này thu mua nguyên liệu rất mạnh. Ngoài ra, trong khu vực duyên hải miền Trung có rất nhiều nhà nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu (riêng tỉnh Bình Định 21 có nhà máy) nên việc cạnh tranh thu mua nguyên liệu cũng đẩy giá gỗ rừng trồng tăng cao. Dăm gỗ của các nhà máy ở Bình Định chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài mua gỗ rừng trồng của người dân trong tỉnh Bình Định, các nhà máy phải thêm mua nguyên liệu ở các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Bình Thuận mới đủ để hoạt động.
Bình Định là địa phương có sản lượng gỗ rừng trồng khai thác cao. Do sự phát triển nhanh của ngành dăm gỗ những năm gần đây đã đẩy nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn về nguyên liệu. Phần lớn nguồn nguyên liệu chủ yếu đến từ các hộ gia đình với chi phí trồng rừng tăng cao và thời gian thu hoạch kéo dài (trên 5 năm) nên đã xảy ra tình trạng bán rừng non. Trong khi đó, do lợi nhuận thu được từ ngành này rất lớn nên kích thích các doanh nghiệp xuất khẩu ồ ạt ra đời. Vì vậy, dự báo trong thời gian tới sẽ thiếu hụt nguồn nguyên liệu không chỉ cho ngành dăm mà còn ảnh hưởng đến ngành sản xuất đồ gỗ nội thất. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu dăm tuy mở rộng, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính (chiếm 68,5% tổng sản lượng dăm xuất khẩu của Bình Định) nên rất dễ gặp rủi ro khi thị trường này biến động.
Ở tỉnh Phú Yên, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gỗ rừng trồng, giảm chi phí vận chuyển, mấy năm gần đây, tỉnh này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến lâm sản. Trong đó có nhà máy của Công ty TNHH Bình Nam sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015 với công suất 200.000 tấn dăm, viên nén/năm. Ông Hoàng Trung Sơn, Phó giám đốc doanh này cho biết, nhà máy sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ không chỉ gần 13.000ha rừng trồng của huyện Đồng Xuân mà còn cho các địa bàn lân cận; trong đó có 4.000ha rừng trồng của công ty và khoảng 3.000ha rừng liên danh, liên kết với người dân. Đây là điều kiện thuận lợi, kích thích người dân trồng, chăm sóc rừng, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Bài & ảnh: Phương Nam