Phú Yên: “Lò-mộ đất nung”… chờ ngày khai quật

23/10/2014 00:00

(TN&MT) - Để tái sản xuất, người dân dùng máy cày cày xới đất trồng sắn, mía nên đã san bằng nhiều lò-mộ, hiện chỉ còn một cái duy nhất lộ thiên trong tình...

   
(TN&MT) - Đã gần 5 năm kể từ khi khu lò-mộ đất nung ở xứ đồng Tân Lập, thôn Tân An, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) được phát lộ bên bờ sông Kỳ Lộ sau cơn lũ lịch sử tháng 11/2009, chúng tôi có dịp trở lại nơi đây, tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn bởi các tác động tiêu cực, đang dần phá hủy khu lò-mộ bí ẩn này.
   
   
  Trên khu đất sản xuất của người dân thôn Tân An có diện tích hơn 4ha, có khoảng 1ha được cho là nơi phát lộ hàng chục lò-mộ bằng đất nung do trận lũ lịch sử năm 2009 bào mòn tầng đất mặt, giờ đã bị san phẳng và được tái phủ kín bằng sắn, mía và cỏ trồng như nguyên trạng ban đầu. Theo người dân, trong diện tích 1ha có gần 10 hộ sản xuất, trồng khoảng 700m2 sắn, năng suất bình quân 25 tấn/ha và 3.000m2 mía, năng suất 60 tấn/ha. Nếu ngưng một vụ sản suất, thiệt hại khoảng 25 triệu đồng, hoặc nếu có sản xuất cũng chỉ manh mún, không dám đầu tư cao vì sợ Nhà nước đưa vào quy hoạch khai quật lò-mộ. Như vậy, từ khi phát hiện lò-mộ đất nung đến nay (2009), người dân thất thu ước khoảng 125 triệu đồng.
   
  Đã gần 5 năm qua, hình ảnh khu lò-mộ lạ thường, bí ẩn bỗng dưng xuất hiện từng gây xôn xao dư luận người dân Phú Yên, luôn hiện hữu trong tâm tưởng, đời sống, sản xuất của người dân thôn Tân An, nay gần như đã đi vào quên lãng. “Để tái sản xuất, người dân dùng máy cày cày xới đất trồng sắn, mía nên đã san bằng nhiều lò-mộ, hiện chỉ còn một cái duy nhất lộ thiên trong tình trạng mục, vỡ thành về mặt”, ông Huỳnh Trọng Hà, Trưởng thôn Tân Lập, nói.
   
           
  Các lò-mộ đất nung có dạng gần giống hình thoi, kích thước dài từ 1,5 đến 2m, rộng từ 0,8 đến 1m, thành dày từ 5cm đến 8cm, trong lòng các di tích đất nung đã tìm thấy dấu vết của than tro và một số mẩu xương cháy, nhưng chưa xác định có phải của lò-mộ, hay từ nơi khác đến do các yếu tố tự nhiên. Từ khi phát hiện lò-mộ đến nay, mặc dù chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân tạm thời không sản xuất trên khu đất này, song do chờ thời gian quá lâu mà chưa có kết luận chính thức của các ngành chức năng, nên nhiều hộ đã trồng sắn phủ kín đất, thậm chí trồng cả cây chuối trong lòng lò-mộ. Qua nhiều năm, chuối đẻ nhánh, sắn phát triển đã phá vỡ, “nuốt chửng” nhiều lò-mộ; trong khi đó, việc chăn thả trâu, bò tự do, sự xâm thực ngày càng gia tăng của sông Kỳ Lộ và các tác động tiêu cực của con người, dẫn đến quần thể khu lò-mộ có nguy cơ bị “xóa sổ” trước khi được các ngành chức năng, nhà khoa học tiến hành khai quật. “Mưa lũ năm 2009, đã bồi lấp hơn 5/15ha đất sản xuất của thôn Tân An; một số diện tích đất ven sông Kỳ Lộ bị xói lở, trong đó có khu lò-mộ đất nung nằm trên đất canh tác được Nhà nước giao quyền cho người dân sử dụng 20 năm. Sau đó, chính quyền địa phương đã động viên Ban nhân dân thôn và người dân Tân An chung tay bảo vệ, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn do không có kinh phí duy trì và thiếu nhân lực. Từ đó đến nay, Nhà nước chưa có quy hoạch cụ thể về khu lò-mộ này, nên địa phương không thể ngăn cấm người dân sản xuất. Việc chăn thả trâu, bò trong khu vực cũng không thể kiểm soát được. Hiện bờ sông Kỳ Lộ chỉ còn cách khu lò-mộ từ 5 đến 10m và ngày càng xâm thực bờ, nên rất có thể mùa mưa tới, nước lũ sẽ cuốn trôi toàn bộ”, ông Lê Mến Thương, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam, phân trần.
   
   
  Ông Phan Đình Phùng, Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân, nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL, người từng trăn trở về phát hiện khu lò-mộ lạ này cho hay, ngay sau khi được phát lộ, các ngành chức năng của tỉnh Phú Yên đã tích cực phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành các bước khảo sát, thám sát và đưa 1 lò-mộ về Bảo tàng tỉnh. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, nên đến nay chưa được tiến hành khai quật. Để có kết luật chính thức, phải có công trình nghiên cứu khoa học của Viện Khảo cổ học Việt Nam.
           
  Ông Phan Đình Phùng cho biết thêm, việc phát hiện quần thể khu lò-mộ đất nung chưa từng thấy ở nước ta, đã được thông báo tại hội nghị khảo cổ học Việt Nam hàng năm. Mới đây, TS Nguyễn Tiến Đông, Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng đã trở lại Phú Yên, kiểm tra thực tế hiện trạng khu lò-mộ, tiếp tục làm việc với các ngành chức năng của huyện Đồng Xuân; đồng thời đăng ký với Viện Khảo cổ học để tiến hành khai quật khu lò-mộ trong năm 2015. Tuy nhiên, theo người dân, từ nay đến thời gian khai quật còn quá lâu, rất có thể vết tích lò-mộ sẽ bị biết mất do các tác động tiêu cực nhiều chiều của con người và tự nhiên. Có người cho rằng, giả sử nếu còn vết tích ít ỏi, đủ cơ sở để kết luận lò-mộ này thuộc nền văn hóa nào, giá trị lịch sử đến đâu thì nó cũng không còn đảm bảo tính quần thể để bảo tồn, gìn giữ. “Trước khi tiến hành khai quật lò-mộ, đồng nghĩa người dân phải ngưng sản xuất, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách đền bù, hỗ trợ hợp lý trên phần diện tích khu lò-mộ và các diện tích đất xung quanh”, một người dân, nói.
           
  Theo nhận định ban đầu của các nhà khoa học, lò-mộ được xây dựng vào thế kỷ thứ VII, chất liệu đất nung đã đạt đến trình độ cao, nên có thể xuất hiện sau nền văn hóa Sa Huỳnh. Lò-mộ này có nhiều điểm liên quan đến táng tục hỏa thiêu của người Chăm Pa (để hài cốt trong mộ), nhưng cũng có thể là lò thủ công nghề truyền thống phục vụ sản xuất, đời sống của người dân xưa.
   
Bài & ảnh: Phương Nam
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Yên: “Lò-mộ đất nung”… chờ ngày khai quật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO