Phú Yên khẩn trương triển khai công tác phòng chống thiên tai

07/09/2016 00:00

(TN&MT) - Được dự báo từ nay đến cuối năm, tỉnh Phú Yên có khả năng bị ảnh hưởng từ 1-3 cơn bão và từ 1-2 trận lũ lớn. Để chủ động ứng phó với thiên tai, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các ngành và địa phương chuẩn bị tốt các cơ sở vật chất, tăng cường hoạt động phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) không bị thụ động trong mọi tình huống.

Diễn tập sơ tán dân trong các trường hợp khẩn cấp
Diễn tập sơ tán dân trong các trường hợp khẩn cấp

Khắc phục thiếu sót

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên cho biết, năm 2015, tình hình thiên tai đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản, tổng cộng 14 người chết, tổng thiệt hại hơn 65,7 tỉ đồng. Trong đó, xảy ra 64 vụ tai nạn trên biển làm chết 13 người, mất tích 5 người, bị thương 9 người, 13 tàu thuyền bị chìm, 23 tàu thuyền hư hỏng nặng. Lũ lụt cũng đã làm 1 người chết, khoảng 440ha lúa bị ngập, sạt lở hơn 100m kè, nhiều tuyến kênh mương thủy lợi, đường giao thông bị hư hỏng nặng.

Ngoài ra, triều cường gây sạt lở hơn 1,2km bờ biển và xâm thực sâu vào đất liền từ 150-300m, ảnh hưởng nhiều hộ dân; hạn hán và xâm nhập mặn gây thiệt hại hơn 23.635ha cây trồng, hơn 9.950 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; xảy ra 15 vụ cháy rừng gây thiệt hại hơn 123ha rừng.

Năm 2016, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã xảy ra 8 đợt nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20,5-139,9mm, mực nước trên các sông xuống thấp hơn trung bình nhiều năm. Do nguồn nước ngầm bị thiếu hụt, từ đầu năm đến nay, khoảng 10.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt, khoảng 1.600ha lúa hè thu 2016 bị thiếu nước phải bơm chống hạn, phát hiện gần 60 điểm cháy rừng…

Ông Trần Công Danh- Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên cho biết: “Hiện tượng ENSO đang trong giai đoạn trung gian, có khả năng chuyển pha La Nina vào cuối năm 2016. Do vậy, diễn biến thời tiết, thủy văn trong mùa mưa năm nay ở khu vực Phú Yên có thể xuất hiện những biến đổi dị thường, phức tạp. Những tháng cuối năm 2016, khu vực Phú Yên có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ 1-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và từ 2-4 đợt lũ, trong đó có khả năng xảy ra 1-2 trận lũ lớn đạt và vượt trên báo động cấp 3 từ 0,5-1m”.

Thời gian qua, Phú Yên chưa xảy ra bão mạnh, siêu bão, lũ lớn… nên việc để tổ chức tập huấn và đầu tư trang thiết bị đủ tầm cho các địa phương vẫn còn nhiều thiếu sót. Các trang thiết bị như ca nô, áo phao, các thiết bị chữa cháy rừng và tập huấn sử dụng các trang thiết bị trước khi có thiên tai, bão lũ xảy ra vẫn chưa mua sắm đầy đủ và tập huấn kỹ càng.

Được biết, trên địa bàn huyện Phú Hòa vẫn còn tồn tại vấn đề hệ thống đường dây viễn thông không đảm bảo an toàn trong khi mùa mưa bão đã tới gần. Khu vực neo đậu tàu thuyền để tránh trú bão ở dọc kè Bạch Đằng chưa được quy hoạch và sắp xếp tàu thuyền neo đậu tránh trú an toàn. Ngoài ra, việc di dời 38 hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở ở núi Nhạn (TP. Tuy Hòa) cũng đang là vấn đề cấp thiết.

Phối hợp đồng bộ chặt chẽ giữa các ngành, các cấp

Để chủ động phòng chống, ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vừa chỉ thị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác PCTT-TKCN: xây dựng, cập nhật kế hoạch phòng chống thiên tai; xây dựng phương án phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai với các loại hình thiên tai của địa phương, đặc biệt ở cấp xã, phường, thị trấn.

Với phương châm chủ động trong mọi tình huống tỉnh Phú Yên chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể nhiệm vụ cho từng đơn vị trong công tác PCTT - TKCN
Với phương châm chủ động trong mọi tình huống tỉnh Phú Yên chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể nhiệm vụ cho từng đơn vị trong công tác PCTT - TKCN

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn tham mưu, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Xây dựng và các địa phương nơi có các hồ chứa thủy lợi, thủy điện tổ chức kiểm tra tình hình an toàn các hồ chứa nước, nhất là các hồ bị xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị hoàn thành công tác tu bổ, sửa chữa đê, kè, hồ chứa nước. Bên cạnh đó, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về quản lý, đăng kiểm tàu thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân, nắm chắc số lượng tàu thuyền hoạt động trên biển, nhất là tàu thuyền đánh bắt xa bờ; xử lý nghiêm đối với các phương tiện tàu thuyền vi phạm quy định an toàn hàng hải; hướng dẫn kỹ thuật neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm.

Đồng thời giao Sở Công thương dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết, đặc biệt là lương thực và nước uống, sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai, lụt, bão khi có yêu cầu. Chỉ đạo vận hành các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các ngành có liên quan vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du trong mùa mưa lũ, đồng thời góp phần phòng, chống hạn hán hiệu quả. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy trình vận hành đơn hồ chứa và liên hồ chứa của các nhà máy thủy điện.

UBND tỉnh đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng vũ trang tỉnh, Bộ Quốc phòng, quân khu đóng trên địa bàn tỉnh và các địa phương xây dựng kế hoạch hiệp đồng, thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN, xây dựng phương án khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, lũ quét và nắng nóng, hạn hán; rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu... khi xảy ra thiên tai để có phương án phòng ngừa; sơ tán dân đến nơi an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hoàng Văn Trà cho biết, để triển khai công tác PCTT-TKCN tốt hơn, các sở, ngành chức năng và địa phương chỉ đạo việc tích nước hợp lý các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, xây dựng phương án đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt vào mùa khô và điều tiết lũ vào mùa mưa; sớm kiểm tra hoạt động các bến đò ngang, đò dọc trên địa bàn đảm bảo an toàn. Các địa phương tổ chức di dời những hộ dân tại các khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ ảnh hưởng triều cường, lũ quét, sạt lở đất; các cấp, ngành và chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi tình hình thiên tai, thông báo kịp thời để người dân chủ động phòng tránh…

Bài và ảnh: Yến Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Yên khẩn trương triển khai công tác phòng chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO