Phú Yên: Gập ghềnh mưu sinh nghề cào sò trên đầm

19/07/2018 15:21

(TN&MT) - Khi thủy triều xuống, sò nhô ra nằm lẫn trong lớp bùn đen là lúc nhiều người phụ nữ xuống khu vực đầm dưới cầu Lệ Uyên, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên mưu sinh cho đến tận đêm khuya.

Khi thủy triều xuống người dân xuống khu vực đầm dưới cầu Lệ Uyên, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu cào sò cho đến tận đêm khuya
Khi thủy triều xuống người dân xuống khu vực đầm dưới cầu Lệ Uyên, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu cào sò cho đến tận đêm khuya

Vịnh Xuân Đài nằm ở Thị xã Sông Cầu là danh thắng quốc gia có diện tích mặt nước khoảng 13.000ha, chạy vòng từ xã Xuân Phương qua phường Xuân Yên, Xuân Phú, Xuân Đài... Hằng ngày, người dân quanh vùng vịnh mưu sinh đủ thứ nghề: cào dắt, cạy hàu, mò sò, cào sò, bắt ốc đá, vớt cá mú giống.

Ngàn đời nay người dân sinh sống quanh vịnh được hưởng lợi từ nguồn lợi thủy sản. Nhưng nguồn lợi ấy thật không dễ dàng ban phát cho con người. Để mưu sinh trang trải cuộc sống nuôi gia đình, người dân làng chài, sống ven đầm phải đổ nhiều giọt mồ hôi mặn chát mới có được.

Phụ nữ mưu sinh bằng nghề cào sò ở khu vực đầm Vịnh Xuân Đài nằm xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu
Phụ nữ mưu sinh bằng nghề cào sò ở khu vực đầm Vịnh Xuân Đài nằm xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu
 

Nghề cào sò không diễn ra thường xuyên quanh năm, hàng ngày từ tờ mờ sáng đến đêm khuya như những nghề mưu sinh khác trên đầm. Cào sò chỉ có thể làm vào mùa nắng, trong ngày phải đợi khi thủy triều xuống, nước cạn, bùn nhô lên lúc ấy mới cào được sò, nhưng không phải cứ cào là sò nổi lên mà lâu lâu mới có được một con.

Điều đặc biệt chỉ có phụ nữ, trẻ em mới chọn nghề cào sò vì công việc đòi hỏi sự nhẫn nại, chịu khó tích tiểu thành đại, ngày kiếm dăm ba đồng trang trải cuộc sống.

Trẻ em cào sò ở khu vực đầm Vịnh Xuân Đài nằm xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu
Trẻ em cào sò ở khu vực đầm Vịnh Xuân Đài nằm xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu

Một người phụ nữ chia sẻ với chúng tôi: “Nghề này tuy nhẹ nhàng nhưng phải chịu khó nhẫn nại. Cào rất mỏi tay nhưng không phải lúc nào cũng có sò. Bắt đầu làm từ chiều tối cho tới đêm khuya khi nước đầm bắt đầu rút cạn dần ra xa. Nước rút tới đâu chúng tôi cào sò ra tới đó đến khi nào không thể cào sò được nữa thì trở về nhà”.

Khi thủy triều xuống, nước cạn, bùn nhô lên lúc ấy mới cào được sò, nhưng không phải cứ cào là sò nổi lên mà lâu lâu mới có được một con
Khi thủy triều xuống, nước cạn, bùn nhô lên lúc ấy mới cào được sò, nhưng không phải cứ cào là sò nổi lên mà lâu lâu mới có được một con

Người phụ nữ khác tâm sự: “Làm kiếm ít tiền chạy chợ qua ngày, ngày nào nhiều sò thì được 70-80 chục nghìn, ngày ít chỉ có 20-30 nghìn. Sò này chủ yếu bán cho người nuôi tôm ở tỉnh Khánh Hòa còn loại sò phục vụ nhà hàng, khách sạn thì loại sò to hơn”.

Tuy công việc cào sò mang lại nguồn thu nhập không đáng kể lại vất vả lội bùn từ chiều cho đến tận đêm khuya nhưng với người dân sống ven đầm thì nguồn thu nhập ít ỏi này chính là lộc biển, lộc trời mang đến cho họ nguồn sinh sống nuôi dưỡng gia đình mà họ phải trân quý, bảo vệ, gìn giữ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Yên: Gập ghềnh mưu sinh nghề cào sò trên đầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO