Phú Yên: Di tích lịch sử cấp tỉnh Trại an trí Trà Kê điêu tàn trong khu vườn mía

Mỹ Bình | 08/09/2022 10:18

Mặc dù, Trại an trí Trà Kê được UBND tỉnh Phú Yên có Quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh tại thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa từ năm 2011. Thế nhưng nhiều năm nay, khu di tích này bị hoang phế, điêu tàn, hiện đang bị bao bọc trong khu vườn mía do một hộ dân canh tác và tự ý đưa máy múc vào đào bới, san phẳng.

Từ thông tin phản ánh của người dân ở thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa về vụ việc trên, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã về địa phương tìm hiểu thực tế.

dsc00251.jpg
 Cổng khu di tích lịch sử cấp tỉnh Trại an trí Trà Kê bao bọc bởi cây cối 

Khi phóng viên tiếp cận hiện trường khu di tích lịch sử cấp tỉnh Trại an trí Trà Kê, chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước cảnh hoang tàn, điêu tàn của một công trình di tích lịch sử cấp tỉnh lại bị lãng quên qua nhiều năm tháng.

Mặc dù, Trại an trí Trà Kê được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh nhưng nó lại không được trùng tu, sửa chữa, không được quan tâm và cũng chẳng cơ quan chức năng hay cán bộ địa phương nào ghé thăm khu di tích.

dsc00257.jpg
 Vườn mía bao quanh khu di tích lịch sử cấp tỉnh Trại an trí Trà Kê

Việc bỏ hoang khu di tích lịch sử đã đành nhưng điều người dân và ngay cả phóng viên chúng tôi bức xúc hơn là khu di tích này hiện đang được bao bọc trong khu vườn mía do ông Trần Hoài Nam, trước đây nguyên là Trưởng công an xã Sơn Hội (Là cha của ông Trần Minh Hòa, hiện giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hội và ông Trần Minh Hiệp – cán bộ địa chính xã Sơn Hội), canh tác nhiều năm nay. Chưa kể ông Trần Hoài Nam còn tự ý dùng phương tiện cơ giới đào bới, san phẳng một công trình thuộc khu vực bảo vệ của di tích lịch sử xếp hạng cấp tỉnh Trại an trí Trà Kê.

dsc00264.jpg
 Nền móng di tích còn lại 

Theo Biên bản kiểm tra hiện trạng tại di tích lịch sử Trại an trí Trà Kê của UBND xã Sơn Hội vào ngày 5/5/2022 thì Tổ kiểm tra cũng đã xác thực thông tin phản ánh của người dân về việc hộ gia đình ông Trần Hoài Nam là người đang trực tiếp canh tác nông nghiệp trên đất thuộc di tích lịch sử Trại an trí Trà Kê, tự ý dùng máy múc cơ giới (máy xúc đất) dọn dẹp cải tạo đất sản xuất trên khu vực đất di tích là đúng thực tế.

dsc00273.jpg
Khu vườn mía bao quanh di tích 

Qua kiểm tra xác định có một công trình phía bên phải hướng nhìn từ cổng chính đã bị hộ gia đình ông Trần Hoài Nam dùng máy cơ giới đào bới, san lấp hoàn toàn và dồn thành đống lớn bên cạnh công trình. Đồng thời, Tổ kiểm tra kiến nghị UBND xã cần xem xét làm rõ hành vi vi phạm Luật Di sản văn hóa, vi phạm quy định tại Điều 20, Nghị định số 38/2021, ngày 29/3/2021 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

dsc00291.jpg
Không thể nhận ra một công trình di tích lịch sử cấp tỉnh 

Thế nhưng, khi làm việc với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường thì ông Trần Ngọc Tây – Chủ tịch UBND xã Sơn Hội cho rằng: Ông Trần Hoài Nam chỉ đưa máy múc vào san sạt và dồn đống lớn lớp đất, đá vụn xung quanh nhằm cải tạo đất phục vụ việc canh tác, chứ không tác động phá hủy di tích. Bởi, ông Trần Hoài Nam đã canh tác trên khu vực đất Trại an trí Trà Kê trước khi khu vực này được UBND tỉnh Phú Yên công nhận là di tích cấp tỉnh vào năm 2011. Di tích lịch sử này vốn chỉ còn trụ cổng và nền móng cũ không được trùng tu qua nhiều năm.

dsc00298.jpg
 Bức tường di tích Trại an trí Trà Kê

Khi phóng viên đặt vấn đề, cho dù ông Trần Hoài Nam được canh tác trước thì sau khi Trại an trí Trà Kê được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh thì cá nhân hay tổ chức nào cũng không được có hành vi xâm lấn, xâm hại hay canh tác trên đất có di tích lịch sử. Di tích đó sẽ được chăm sóc, bảo vệ và trùng tu hàng năm.

Ông Trần Ngọc Tây – Chủ tịch UBND xã Sơn Hội cho biết: Diện tích đất di tích khoảng 1,3 ha. Do vì lâu nay di tích có hiện trạng như vậy nên vẫn tạo điều kiện cho ông Trần Hoài Nam canh tác trồng mía trong đất di tích và khi nào nhà nước yêu cầu thu hồi diện tích đất để tôn tạo di tích thì ông Nam sẽ trả lại đất cho khu vực di tích và hiện khu đất này đang được UBND xã quản lý.

dsc00310.jpg
 Bờ thành di tích không còn nguyên vẹn 

Làm việc với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Tô Phương Bắc cho biết: Chưa thấy UBND xã Sơn Hội báo cáo mà chỉ nghe Phòng Văn hóa và Thông tin báo cáo vụ việc. UBND huyện giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với UBND xã đi kiểm tra, xác định lại mốc giới khu di tích và yêu cầu hộ ông Trần Hoài Nam dừng hoạt động canh tác sản xuất trên đất khu di tích, đồng thời dựng rào bao quanh bảo vệ di tích lịch sử cấp tỉnh Trại an trí Trà Kê.

dsc00255.jpg
 Dí tích lịch sử cấp tỉnh điêu tàn, hoang phế như một phế tích 

Qua tìm hiểu về di tích lịch sử Trại an trí Trà Kê, phóng viên được biết, năm 1940, được thực dân Pháp chọn xây dựng Trại an trí nhưng thực chất là nhà tù để giam, cưỡng bức những nhà cách mạng yêu nước.

Tồn tại trong 5 năm (từ 1940- 1945), Trại an trí Trà Kê đã giam cầm hàng trăm chiến sĩ cách mạng hoạt động trong Phong trào dân chủ 1930- 1939 mà thực dân Pháp không có chứng cứ để buộc tội, bỏ tù; hoặc đối với những người tuy đã mãn hạn tù nhưng chúng cho là nguy hiểm nên không trả về quê quán. Sau sự kiện đảo chính ngày 9/3/1945, Nhật tuyên bố xóa bỏ quyền cai trị của Pháp. Nhân cơ hội đó các đồng chí trong trại đã tự tổ chức giải thoát, rời bỏ trại. Riêng đồng chí Đặng Sĩ Đối ở lại Sơn Hòa xây dựng cơ sở cách mạng, thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện ở Tân Vinh (Sơn Hội) gồm 3 đồng chí: Đặng Sĩ Đối, Nguyễn Bình, Võ Châu. Sau đó, các đồng chí tiếp tục phát triển các cơ sở cách mạng ở Củng Sơn, Thạnh Hội và bắt liên lạc với Mặt trận Việt Minh tỉnh Phú Yên. Trong cách mạng tháng 8/1945, lực lượng khởi nghĩa ở địa phương đã phá bỏ trại giam và đồn Pháp ở Trà Kê.

Thế nhưng, đến nay di tích lịch sử cấp tỉnh Trại an trí Trà Kê chỉ còn là đống đổ nát, cảnh vật điêu tàn, chân móng, tường vách không còn nguyên vẹn, hai trụ cổng vươn cao bị bao phủ bởi cây cối và khu vườn mía xanh um tùm trông thật phản cảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Yên: Di tích lịch sử cấp tỉnh Trại an trí Trà Kê điêu tàn trong khu vườn mía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO