Môi trường

Phú Thọ quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu:Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Thu Thủy (thực hiện) 28/11/2023 - 14:19
thanh-pho-viet-tri.jpg

Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, từng bước thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 24-NQ/TW (Nghị quyết 24), ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Xung quanh công tác triển khai quyết sách lớn này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi phỏng vấn ông Phan Trọng Tấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.

PV: Thưa ông, Nghị quyết 24 đang được tổng kết toàn diện nhằm định hướng chiến lược về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 24, đâu là những kết quả nổi bật của tỉnh Phú Thọ?

z4922118102980_e885a56a4202de41e6e6b5d582129f6c.jpg
Ông Phan Trọng Tấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.

Ông Phan Trọng Tấn: Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, Tỉnh ủy Phú Thọ đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai nội dung nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, sau 10 năm triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Về ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Phú Thọ xây dựng năng lực chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh đã xác định được 16 loại hình thiên tai chính chịu ảnh hưởng gồm: Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất. Giai đoạn 2013 - 2023, đã tiến hành nâng cấp, duy tu, sửa chữa 33,17km đê; 48,77km kè, 121 cống qua đê với tổng kinh phí là 1.223 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh đã triển khai xây mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 41 công trình thủy lợi với tổng kinh phí là 4.439 tỷ đồng.

Về quản lý tài nguyên, thực hiện quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức lập Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất hằng năm của 13/13 huyện, thành, thị. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3812/QĐ-UBND, ngày 28/12/2018 quy hoạch diện tích 8.977,95ha đất chuyên trồng lúa nước có năng suất chất lượng cao trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng các khu xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới.

8b.jpg
Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ thực địa tại dự án trên địa bàn

Giai đoạn 2013 - 2023 đã cấp 246 giấy phép về tài nguyên nước; trong đó: Có 48 Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; 37 Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; 3 Giấy phép thăm dò nước dưới đất; 158 Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Về bảo vệ môi trường, giai đoạn 2013 - 2023, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức thẩm định, phê duyệt 372 báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp Giấy phép môi trường cho 52 dự án; xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường trên đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt cho 148 dự án; 82 kế hoạch bảo vệ môi trường; 35 đề án bảo vệ môi trường.

Đôn đốc, yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động liên tục, đến nay đã có 10 đơn vị lắp đặt và truyền số liệu về Sở TN&MT để giám sát, quản lý số liệu theo quy định. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 3/7 Khu công nghiệp và 5/29 cụm công nghiệp đã và đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, có 14/16 cơ sở đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để được chứng nhận, 2 cơ sở đang tiếp tục đầu tư hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để.

PV: Nhìn nhận thẳng thắn, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường theo Nghị quyết 24 còn những bất cập mà thời gian tới, Trung ương và địa phương cần tiếp tục có những chỉ đạo và quyết sách quyết liệt hơn. Với Phú Thọ, việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH có những bất cập nào cần tháo gỡ, thưa ông?

Ông Phan Trọng Tấn: Tỉnh Phú Thọ có địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông, suối; nhiều khu vực đồi núi, vùng sâu, vùng xa, dễ bị chia cắt khi có mưa lũ xảy ra gây khó khăn cho công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu một số nơi còn bị động, lúng túng, thiếu đồng bộ; năng lực cảnh báo, dự báo, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc ứng dụng công nghệ mới thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng đô thị, phát triển, sử dụng năng lượng, giao thông, vật liệu xây dựng còn nhiều hạn chế. Còn nhiều khó khăn trong việc lồng ghép các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm với công tác ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu là lĩnh vực mới, tác động đến đa ngành, đa lĩnh vực, trong khi nguồn cán bộ chuyên trách và được đào tạo chuyên sâu của địa phương còn thiếu. Tổ chức bộ máy, quản lý nhà nước và việc phân công đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ; tổ chức thực hiện chưa thực sự chủ động, cương quyết; chủ trương xã hội hóa cho công tác ứng phó biến đổi khí hậu chưa huy động được sự tham gia của các tổ chức xã hội, hiệp hội, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.

Về quy hoạch liên quan đến biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường vẫn chủ yếu theo ngành. Nguồn lực đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu của địa phương.

Việc triển khai thực hiện một số quy định về bảo vệ môi trường theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành đôi lúc còn lúng túng, khó khăn; công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và trách nhiệm được triển khai nhưng chưa thực sự sâu rộng và thường xuyên; vai trò tham gia quản lý của một đơn vị còn có hạn chế, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong hoạt động bảo vệ môi trường chưa thường xuyên. Hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại một số khu, cụm công nghiệp và hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt chưa được đầu tư xây dựng hoàn thành.

lam-thao-1517-308.jpg

PV: Phú Thọ định hướng thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với xu thế giảm phát thải, góp phần thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050, thưa ông?

Ông Phan Trọng Tấn: Công tác chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và phải được thực hiện đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Phú Thọ kiên quyết không để phát sinh thêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, đáp ứng mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Phú Thọ sẽ tập trung đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn hồ đập, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường năng lực dự báo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trang bị hệ thống cảnh báo sớm ở vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai. Di chuyển dân cư ra khỏi vùng, khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống, sụt lún, sạt lở đất, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai, dân cư trong vùng lõi của các khu bảo tồn, khu rừng đặc dụng.

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu; cơ chế phối hợp liên vùng, liên ngành trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến năm 2025 tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu của các cơ quan chuyên môn. Giảm thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015 - 2020.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Thọ quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu: Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO