Xã hội

Phú Thọ: Phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi tập trung

Hoàng Hiền 21/09/2023 - 20:19

(TN&MT) - Những năm gần đây, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có sự chuyển biến tích cực và đã đạt được kết quả quan trọng, trong đó quy mô tổng đàn vật nuôi chủ lực phát triển khá.

Giai đoạn 2021 - 2025, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh xác định tập trung phát triển và nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh như lợn, gia cầm, bò… Điển hình trong số đó là mô hình chăn nuôi gia súc quy mô tập trung của lão nông Nguyễn Văn Bảng (xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê).

Tiên phong chuyển đổi, đầu tư quy mô

Ông Nguyễn Văn Bảng cho biết, từ nhỏ, ông đã say mê lao động sản xuất, do đó, ông Bảng có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi gia súc. Nhiều năm trước, nhận thấy tiềm năng đất đai của địa phương chưa được khai thác hiệu quả, bà con nông dân chưa mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế tương xứng với tiềm năng, ông Bảng đã tiên phong chuyển đổi mô hình chăn nuôi từ hình thức thả rông sang nuôi nhốt vỗ béo với quy mô tập trung lên đến trăm con trâu, bò.

untitled.jpg
Ông Nguyễn Văn Bảng - người tiên phong chuyển đổi mô hình chăn nuôi tập trung tại xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê

"Qua tìm hiểu, học hỏi, tôi đã quyết định chuyển đổi sang chăn nuôi tập trung để có hiệu quả kinh tế cao hơn. Điều này ngoài giúp nâng cao thu nhập cho gia đình, tôi còn mong muốn lan tỏa để hội viên, bà con nông dân trong xóm mạnh dạn làm theo. Để mô hình chăn nuôi gia súc nhốt vỗ béo, tập trung hiệu quả, tôi đã mạnh dạn dồn đổi tích tụ ruộng và thuê thêm hơn 1 mẫu đất của một số hộ dân", ông Bảng chia sẻ.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn vay ưu đãi, ông Bảng đã đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, trồng cỏ voi xung quanh làm thức ăn cho trâu, bò. Mua sắm máy thái cỏ, máy băm cây ngô ủ chua, máy cuộn rơm để giảm công chăm sóc, giải phóng sức lao động cho mọi người trong gia đình.

Nhận thấy việc chuyển chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt vỗ béo mang lại hiệu quả cao về kinh tế, ông Bảng bắt đầu chia sẻ kinh nghiệm với bà con nông dân ở địa phương để cùng nhau phát triển. Ông Bảng còn thường xuyên cập nhật, nắm bắt các chủ trương, chính sách mới để kịp thời chuyển tải đến bà con nông dân tại địa phương, giúp bà con thuận lợi hơn trong quá trình tiếp cận chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, nhất là việc tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi.

22.jpg
Mô hình chăn nuôi tập trung của ông Nguyễn Văn Bảng

"Mỗi năm gia đình tôi nuôi, xuất bán hơn 100 con bò, trâu. Hiện giá thị trường, mỗi con trâu, bò bán cho lãi từ 8-10 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi hơn 600 triệu đồng/năm", ông Bảng phấn khởi nói.

Hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập

Ông Nguyễn Ngọc Nhung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngô Xá cho biết, mô hình chăn nuôi gia súc tập trung của gia đình ông Bảng đã trở thành mô hình điểm để bà con trong xã học hỏi kinh nghiệm và làm theo.

"Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi tập trung của ông Bảng, năm 2022, Chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi bò sinh sản xã Ngô Xá được thành lập với 10 thành viên. Mỗi năm, Chi hội dự kiến sẽ xuất bán ra thị trường hàng chục tấn thịt thương phẩm các loại; mang về doanh thu hơn 3 tỷ đồng", ông Nhung cho hay.

Chi hội hoạt động theo nguyên tắc tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm và cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm, cùng hưởng lợi. Đến nay, Chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi ở xã Ngô Xá có gần 200 con trâu, bò thịt thương phẩm và bò sinh sản. Từ hoạt động, Chi hội đã tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên với mức thu nhập hơn 7 triệu đồng/người/tháng.

chan-nuoi-2-16882060686152142112204.jpg
Ông Bảng đầu tư mua sắm thiết bị để nâng cao năng suất chăn nuôi bò

Chia sẻ về những khó khăn, ông Bảng cho biết, trong quá trình chăn nuôi, các hộ thành viên còn gặp khó khăn về kinh phí và nguồn vốn, do đó, mong muốn của bà con là được cấp chính quyền tạo điều kiện, quan tâm giúp đỡ để các thành viên vươn lên phát triển kinh tế.

Có thể khẳng định, Chi hội nông dân nghề nghiệp đã tạo sự gắn kết giữa việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng tổ chức Hội vững mạnh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giúp nông dân liên kết, hỗ trợ nhau làm giàu, phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ có báo cáo đề xuất, kiến nghị với các cấp Hội Nông dân cấp trên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Chi hội tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi hơn nữa để đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, con giống và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Thọ: Phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi tập trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO