Xã hội

Phú Thọ: Hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại Mỹ Lung

Hoàng Hiền 13/09/2023 - 18:02

(TN&MT) - Xã Mỹ Lung (huyện Yên Lập) là địa phương đặc biệt khó khăn tại Phú Thọ, tuy nhiên, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, Mỹ Lung đang dần chuyển mình, tiến tới phát triển kinh tế nhờ làm du lịch cộng đồng.

"Mở đường" để phát triển kinh tế

Xã Mỹ Lung có 1469 hộ với hơn 5000 khẩu, trong đó tỉ lệ bà con người dân tộc chiếm 80%. Những năm trước đây, đời sống người dân trong xã rất khó khăn, quanh năm bám ruộng, bám rừng mà vẫn thiếu thốn, tỉ lệ hộ nghèo lên tới 40%. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước cho xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp, văn hóa xã hội, diện mạo nông thôn miền núi xã Mỹ Lung đã từng bước "thay da đổi thịt".

Với đặc thù là xã miền núi, Mỹ Lung đã hình thành các vùng sản xuất tập trung trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu các loại, hình thành vùng nguyên liệu giấy, đây là ngành có lợi thế của vùng. Các sản phẩm từ trồng trọt của xã tương đối phong phú, đa dạng, với nhiều loại cây lương thực, hoa màu, đặc biệt xã đã xây dựng được thương hiệu cây lúa nếp Gà Gáy, đặc sản nổi tiếng của địa phương.

cong-trinh-cau-my-lung-sau-khi-duoc-sua-chua-nang-cap-tao-thuan-loi-cho-nguoi-dan-di-lai-va-phat-trien-giao-thuong.jpg
Công trình cầu Mỹ Lung sau khi được sửa chữa, nâng cấp tạo thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển giao thương

Đầu năm 2022, đề tài khoa học cấp tỉnh: “Phục dựng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy một số di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ” được phê duyệt đã đánh dấu một quá trình phát triển mới đối với xã Mỹ Lung.

Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, người dân Mỹ Lung phấn khởi khi đi trên những con đường mới. Tại khu 9, công trình cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn mới được hoàn thành cách đây ít lâu đã giúp cho việc đi lại, sản xuất của các hộ dân được thuận lợi. Con đường bê tông mới có tổng chiều dài hơn 900m, mặt đường rộng 4m. Nhờ sự đồng tình, ủng hộ của bà con nhân dân hiến trên 1.000m2 đất và hoa màu, vật tư, công trình đã được hoàn thành đúng tiến độ.

Ông Đinh Công Thắng - Trưởng khu 9, xã Mỹ Lung cho biết: “Từ khi có con đường này, người dân rất thuận lợi trong việc vận chuyển vật liệu xây dựng nhà cửa, thu hoạch, tiêu thụ hoa màu… Đời sống của bà con nhân dân từ đó được cải thiện và nâng cao lên nhiều”.

Hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp sẽ “mở đường” cho nhiều loại hình kinh tế phát triển, đặc biệt là du lịch. Với mục tiêu “Tư liệu hóa và phục dựng một số di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường trên địa bàn huyện Yên Lập, từ đó, góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Mường”, huyện Yên Lập sẽ phục dựng bốn di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường tại xã Mỹ Lung bao gồm: Đình Đồng Sương; công cụ, dụng cụ lao động sản xuất, nghề thủ công truyền thống; lễ hội Hạ Điền; diễn tấu cồng chiêng, chàm đuống, chạm ống, múa sênh tiền, trống đu, hát ví, hát rang.

Tương lai thoát nghèo nhờ du lịch

Anh Đinh Xuân Quang ở khu 1, xã Mỹ Lung - một trong số các hộ đầu tư mua gỗ, vật dụng cổ truyền của người Mường (khung cửi, cối giã gạo, cọn nước…) để dựng nhà sàn. Mục tiêu sắp tới của anh là đưa nhà sàn truyền thống trở thành một điểm lưu trú cho khách du lịch về với quê hương. Nhà sàn của người Mường chủ yếu làm từ gỗ nghiến, táu, lim… có độ bền chắc tới hàng trăm năm. Anh chia sẻ dự định của mình về ngôi nhà sàn dựng bên cạnh một cọn nước, nhìn thẳng ra bờ suối với không khí ấm cúng trong nhà được lan tỏa bởi hình ảnh các mẹ ngồi bên khung cửi dệt vải, trẻ con ngồi quây quần quanh bếp lửa. Anh hy vọng, những hình ảnh đó sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách khi về với mảnh đất này.

anh-dinh-xuan-quang-don-dep-so-go-du-dinh-dung-nha-san-co-theo-phong-cach-dan-toc-muong.jpg
Nhiều hộ dân đã đầu tư xây dựng nhà sàn cổ theo phong cách dân tộc Mường

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng không gian văn hóa, để bắt kịp thời đại công nghệ số, thời gian tới, huyện Yên Lập sẽ tiến hành tư liệu hóa, số hóa các bộ tư liệu về di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Mường trên địa bàn. Cụ thể, tư liệu hóa loại hình di sản văn hóa vật thể gồm điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, đời sống sinh hoạt và lao động sản xuất. Tư liệu hóa loại hình di sản văn hóa phi vật thể gồm nhóm tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian… Danh mục các di sản văn hóa truyền thống điển hình của dân tộc Mường tại xã Mỹ Lung được lựa chọn và tổ chức phục dựng gồm có: Di tích Đình Đồng Sương, công cụ lao động truyền thống (cối giã gạo, cọn nước, khung cửi..), lễ hội Hạ điền và diễn tấu cồng chiêng, chàm đuống, múa sênh tiền, trống đu, hát ví, hát rang..

Đồng chí Đinh Tiến Duật - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung cho biết: “Phát triển du lịch cộng đồng tại xã Mỹ Lung nằm trong dự án phục dựng, bảo tồn và phát huy một số di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường của huyện Yên Lập. Ngay từ bây giờ, hệ thống chính trị và người dân địa phương đã vào cuộc và đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao đặc biệt trong công tác dân vận, hiến đất để xây dựng công trình hạ tầng giao thông và văn hóa tín ngưỡng. Cùng với đó, xã tiếp tục vận động các nguồn lực xã hội hóa từ trong nhân dân để phát triển các điểm lưu trú, góp phần hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển du lịch tại địa phương”.

Phát triển du lịch cộng đồng tại xã Mỹ Lung được coi là hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại huyện miền núi Yên Lập. Với tầm nhìn đúng đắn cùng với việc huy động được sức dân đồng lòng, trong tương lai, du lịch cộng đồng được kỳ vọng sẽ giúp người dân nơi đây phát triển kinh tế và hứa hẹn sẽ biến Mỹ Lung trở thành điểm dừng chân của du khách mỗi khi về với Đất Tổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Thọ: Hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại Mỹ Lung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO