Tại Phú Thọ, ngay sau khi Luật Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực, công tác PCTHTL đã được triển khai, tập trung vào 3 mục tiêu như: Nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá; xây dựng môi trường không khói thuốc; tăng cường năng lực cho các cán bộ tham gia hoạt động PCTHTL.
Theo đó, trong thời gian qua, nhiều hoạt động PCTHTL đã được triển khai trên địa bàn tỉnh như: Thành lập Ban chỉ đạo PCTHTL các cấp, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về Luật PCTHTL tới sức khỏe con người; xây dựng môi trường làm việc, học tập, lao động, không khói thuốc; tăng cường kiểm tra giám sát việc thực thi Luật…
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã xây dựng quy chế văn hóa công sở, trong đó có nội dung cấm hút thuốc lá trong phòng làm việc; treo panô, biển cấm hút thuốc lá tại các nơi công cộng. Một số cơ quan, đơn vị thường xuyên triển khai các hoạt động tuyên truyền PCTHTL với các nội dung: Luật PCTHTL và các văn bản pháp quy về công tác PCTHTL; tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của con người, ảnh hưởng tới môi trường sống; các biện pháp cai nghiện thuốc lá, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá; xây dựng môi trường làm việc không có khói thuốc lá…
Ngoài ra, việc thực hiện các quy định của Luật PCTHTL cũng được đẩy mạnh tại các khu dân cư gắn với xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.
Đặc biệt, xác định Đoàn viên thanh niên là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; là lực lượng đông đảo trong các trường học; song đây cũng là đối tượng sử dụng thuốc lá nhiều nhất so với các lứa tuổi khác. Vì vậy, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Phú Thọ đã ban hành văn bản chỉ đạo 100% các huyện, thị, thành Đoàn tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người. Nội dung về công tác PCTHTL thường xuyên được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt đoàn hội... Đến nay, 21/21 đơn vị huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc đã tuyên truyền tới cán bộ, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trong các cơ quan, trường học, địa bàn khu dân cư hiểu rõ tác hại của thuốc lá; treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền, gắn bảng, biểu tượng cấm hút thuốc tại những địa điểm công cộng như trong cơ quan, trường học, bệnh viện.
Với sự nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh Phú Thọ những năm qua đã có sự chuyển biến tích cực. Nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đã có những chuyển biến rõ rệt. Số người hút thuốc tại nơi làm việc, nơi công cộng đã giảm qua các năm. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học thực hiện xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc…
Đặc biệt, theo kết quả điều tra năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành giảm xuống còn 17,6% (năm 2017 là 21,4%); người dân tại cộng đồng biết đến Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chiếm 84,1% (năm 2017 là 61,5%). Tỷ lệ người cố gắng bỏ thuốc trong vòng 12 tháng qua tại tỉnh Phú Thọ năm 2020 là 60,9% (năm 2017 chỉ chiếm 13%).
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ song thực tế việc thực thi Luật PCTHTL trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá vẫn còn diễn ra tại một số nơi làm việc và nơi công cộng. Tại nhiều điểm bán thuốc lá, vẫn còn tình trạng trưng bày, khuyến mại không theo quy định. Mặt khác, công tác kiểm tra thực hiện quy định cấm hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc chưa được thực hiện tốt. Do đó, hiện tượng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn còn diễn ra nhiều nơi. Việc triển khai công tác truyền thông về PCTHTL gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với địa bàn vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…
Trong bối cảnh đó, thời gian tới, để Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đi vào cuộc sống một cách thực sự hiệu quả, bà Chu Thị Thu Nam - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ cho biết, ngành y tế tỉnh Phú Thọ kiến nghị, đề xuất cần có sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm hơn nữa của các cơ quan chức năng; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm khuyến cáo người dân từ bỏ thói quen hút thuốc để không ảnh hưởng đến sức khỏe của người thân và những hệ lụy xã hội; tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật PCTHTL tại các cơ quan, đơn vị, nơi công cộng để Luật PCTHTL thực sự đi vào cuộc sống.
Để làm được điều đó, bà Chu Thị Thu Nam cho rằng, cần tăng cường và đổi mới hình thức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Giai đoạn hiện nay, cần tận dụng lợi thế của công nghệ, mạng xã hội để tuyên truyền nhiều hơn về phòng chống tác hại của thuốc lá và những hệ luỵ bằng video, hình ảnh một cách sáng tạo, sinh động, thường xuyên, liên tục. Thêm vào đó, cần tăng cường việc thực hiện quy định về môi trường không khói thuốc, cai nghiện, thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ của các công ty thuốc lá. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Để giảm thiểu tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế - xã hội và môi trường, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đã được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 gồm 5 Chương và 35 Điều và có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2013. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về PCTHTL, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác PCTHTL trong giai đoạn hiện nay, góp phần hạn chế bệnh tật liên quan đến hút thuốc lá, nâng cao sức khỏe cộng đồng, thực hiện thành công sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.