Phú Quý - gần lại những chấm xanh

Việt Hùng - Đình Du| 14/04/2022 13:11

(TN&MT) - Cách đất liền 56 hải lý theo hướng Đông - Đông Nam, huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) được biết đến là nơi có tiềm năng kinh tế biển lớn, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Phong cảnh thiên nhiên hữu tình thấm đẫm huyền tích thêu dệt tự xa xưa đã thu hút du khách và mở ra cho Phú Quý tiềm năng du lịch dồi dào.

Hòn đảo của du lịch

Phú Quý được thiên nhiên ưu đãi không chỉ về tài nguyên, danh lam thắng cảnh, khí hậu trong lành mà nơi đây còn là vùng đất của di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Với diện tích gần 18km2 cùng 29.000 dân nhưng Phú Quý có đến 28 cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, trong đó có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh cấp quốc gia như Vạn An Thạnh, Linh Quang tự, khu dinh mộ Thầy Sài Nại, đền thờ Công Chúa Bàn Tranh, núi Cao Cát… và rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng, trong đó không thể không nhắc tới Hòn Tranh quanh năm sóng yên biển lặng, bãi phẳng và cát trắng mịn, nước trong xanh soi rõ từng rạn san hô. Rồi vịnh Triều Dương lãng mạn và thơ mộng, bãi Đồi Dương hội tụ nhiều sắc màu thi vị của thiên nhiên, nào rừng cây, dốc đá, làng chài, bãi Nhỏ - Gành Hang với những vách đá đen, đứng sừng sững sát biển - dấu ấn nham thạch của hoạt động phun trào núi lửa trước đây. Dưới bàn tay tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên, các vách đá lớn kết nối với nhau tạo thành “hồ bơi nước mặn” độc đáo hiếm thấy…

img-4154.jpg

Đặc biệt, trên đảo Phú Quý có cột cờ chủ quyền Tổ quốc. Đây là 1 trong 7 cột cờ chủ quyền được xây dựng trong khuôn khổ dự án xây dựng cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại các đảo tiền tiêu trải dọc đất nước, là điểm đến thiêng liêng của mỗi người con Việt Nam khi đặt chân lên đảo.

Thiên nhiên cùng với sự đầu tư chăm chút của con người đã biến nơi đây tựa như một cô gái có nét đẹp hoang sơ và hiện đại. Dấu ấn nổi bật về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh Bình Thuận là các công trình lớn: Cảng giao thông Phú Quý; Nhà máy điện Phú Quý, đường vành đai, Nhà máy xử lý và tái chế rác Đa Lộc... Đặc biệt là Đề án khu kinh tế đảo Phú Quý và Quyết định số 312/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách ưu đãi đối với đảo Phú Quý với nguồn vốn đầu tư bình quân hàng năm gần 150 tỷ đồng.

img-4332-1-.jpg

Cùng với phát triển hạ tầng kinh tế, bắt đầu từ năm 2010, hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển mạnh. Hiện nay trên địa bàn huyện có 14 khách sạn, 27 vila, nhà nghỉ, phòng trọ và 40 homestay; lượng khách đến Phú Quý (từ năm 2015 đến nay) ước bình quân hàng năm khoảng 35.000 - 40.000 người. Huyện đã được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2908/QĐ-UBND ngày 26/10/2018 về việc Quy hoạch Khu Du lịch huyện Phú Quý đến năm 2030 và Quyết định số 1374/QĐ-UBND ngày 16/6/2020 của UBND tỉnh về công nhận Khu du lịch cấp tỉnh (Khu du lịch Phú Quý).

Đánh thức nàng tiên biển

Với tuyến vận tải hành khách Phan Thiết - Phú Quý, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng tàu cao tốc và đa tốc cơ bản được đáp ứng. Giao thông đường biển từ đất liền ra đảo được cải thiện đã mời gọi du khách trong nước và quốc tế đến đảo ngày một đông. Đây là cầu nối quan trọng góp phần đưa Phú Quý gần hơn với đất liền, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển.

img-4330-1-.jpg

Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu từng bước chuyển dịch cơ cấu, đưa ngành du lịch vươn lên thành một trong những ngành trung tâm thu hút nguồn lực và đóng góp giá trị cao cho kinh tế huyện; Thu hút du khách đến Phú Quý nhiều hơn, thời gian lưu trú dài ngày hơn, quay trở lại nhiều lần hơn; Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên; Giữ gìn bản sắc văn hóa biển đảo đậm đà trong nhân dân để phát triển du lịch; Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch bảo đảm đa dạng, đặc sắc, thu hút; Xây dựng Khu du lịch Phú Quý là điểm đến biển, đảo lý tưởng của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và phía Nam.

Phấn đấu đến năm 2025 đón 65.000 lượt du khách, trong đó khách quốc tế khoảng 4.500 lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 165 tỷ đồng; đến năm 2030 đón khoảng 74.000 lượt du khách, trong đó khách quốc tế khoảng 6.000 lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 380 tỷ đồng.

img-4307.jpg

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Ngô Tấn Lực - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý nhấn mạnh: “Nhiệm vụ đặt ra là cần hoàn thiện quy hoạch, chính sách, xây dựng hệ sinh thái du lịch; tập trung xây dựng quy hoạch phát triển du lịch huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, quy hoạch, định hình lại không gian phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch chung của huyện; Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án Khu du lịch huyện Phú Quý; Xây dựng Đề án Khu bảo tồn biển Phú Quý, Đề án Phát triển kinh tế đêm của huyện, gắn với xây dựng hình ảnh du lịch Phú Quý: An toàn - Thân thiện - Chất lượng”.

Trong đầu tư hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, huyện ưu tiên bố trí ngân sách để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa của huyện, chú trọng hạ tầng xử lý nước thải, phát triển làng nghề... Thu hút đầu tư, phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch theo định hướng du lịch biển, thể thao, giải trí xanh - sạch - đẹp; Du lịch văn hóa - tín ngưỡng - tâm linh khôi phục, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống con người Phú Quý, di tích lịch sử, văn hóa lễ hội, làng nghề, nghệ thuật truyền thống, đưa văn hóa Phú Quý đến với du khách; Du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe; Du lịch sinh thái tự nhiên biển, đảo gìn giữ, bảo tồn, phát triển các khu vực tự nhiên Hòn Tranh, Hòn Đen, Ghềnh Hang - Bãi nhỏ - Cột cờ Phú Quý, núi Cấm, khu bảo tồn biển,... trải nghiệm sống hài hòa với thiên nhiên và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường; Du lịch khôi phục, giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, cảnh quan thiên nhiên, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương về các sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ thân thiện môi trường...

“Nằm cách thành phố Phan Thiết hơn 100km, cách Quần đảo Trường Sa 540km về phía Đông, cách TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) 150km về phía Tây Bắc, cách Côn Đảo 330km về phía Tây Nam, cách TP. Vũng Tàu 200km về phía Nam, Phú Quý có vị trí địa chính trị, kinh tế, quốc phòng cực kỳ quan trọng, là mắt xích kết nối tuyến giao lưu giữa đất liền với Quần đảo Trường Sa và tuyến hàng hải quốc tế; là căn cứ nổi phục vụ các đội tàu đánh bắt cá xa bờ...”.

Bài toán đặt ra cho Phú Quý là phải tìm ra giải pháp tối ưu, phù hợp với đặc điểm địa lý tự nhiên của địa phương để xây dựng Phú Quý thành điểm đến xanh, sạch, hấp dẫn, an toàn thân thiện, bảo vệ môi trường biển, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên để giữ gìn nét hoang sơ quyến rũ trong lành mà thiên nhiên ban tặng cho Phú Quý, lấy du lịch xanh bảo tồn sinh thái làm tiêu chí xây dựng thương hiệu du lịch Phú Quý, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của huyện đảo.

Hơn thế, phải đưa 3 xã Ngũ Phụng, Tam Thanh, Long Hải của Phú Quý phát triển đồng bộ, hình thành thế đứng kiềng 3 chân vững chãi, để trên những hải trình, chỉ cần nhìn thấy Phú Quý là thấy những chấm xanh gần lại, để Phú Quý xứng đáng là hòn đảo không chỉ của du lịch mà còn là đảo của kinh tế, văn hóa, quân sự trong Chiến lược biển quốc gia Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Quý - gần lại những chấm xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO