(TN&MT) - Những năm gần đây, tình trạng lấn chiếm, sang nhượng, mua bán trái phép đất lâm nghiệp ở huyện đảo Phú Quốc diễn ra phức tạp, ngày càng gia tăng. Trước thực trạng trên,công tác tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép đã được các cơ quan quản lý rừng như Hạt Kiểm lâm huyện và Vườn Quốc gia Phú Quốc đặc biệt quan tâm và thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã trên địa bàn thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, triệt để trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR); góp phần giảm đáng kể tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Cơ quan liên ngành kiểm tra một vụ phá rừng trên đảo Phú Quốc. |
Phú Quốc có diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo hiện trạng tự nhiên 36.453 ha (bao gồm cả quần đảo Thổ Châu và các hòn đảo nhỏ thuộc xã Hòn Thơm). Trong đó được phân chia theo mục đích sử dụng thành 2 loại rừng sau: Rừng đặc dụng (Vườn Quốc gia) có diện tích 29.596 ha (ngoài ra vùng đệm có diện tích 6.122 ha có hiện trạng rừng tự nhiên đan xen với rừng trồng và đất nông nghiệp). Rừng phòng hộ có diện tích 6.857 ha.
Những năm gần đây, tình trạng sốt giá đất, nhiều người dân bất chấp pháp luật đã tự ý vào bao, lấn, chiếm đất Nhà nước quản lý và vào cả diện tích đất rừng để sang nhượng, mua bán trái phép đất lâm nghiệp ở huyện đảo Phú Quốc diễn ra phức tạp, ngày càng gia tăng .Các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh, huyện đang đẩy mạnh các biện pháp lập lại trật tự quản lý nhà nước ở lĩnh vực này, bảo đảm đất lâm nghiệp được bảo vệ và sử dụng đúng mục đích, quy hoạch, đồng thời tránh xảy ra "điểm nóng"... Các cơ quan bảo vệ rừng thường xuyên phối hợp cùng với các ngành chức năng huyện, chính quyền địa phương tuyên truyền về Luật bảo vệ và Phát triển rừng, các văn bản pháp luật có liên quan trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản bằng nhiều hình thức sâu rộng đến quần chúng nhân dân được 04 cuộc, có 62 lượt người tham gia đại diện cho hộ gia đình và ký cam kết về quản lý, bảo vệ rừng.
Nhiều căn nhà xây dựng trái phép rong rừng phòng hộ |
Phú Quốc hiện đang thu hút đầu tư mạnh với tiếp hơn 236 dự án đầu tư với diện tích 10.174 ha, trong đó có 168 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đầu tư 185.586 tỷ đồng nên kéo theo sự thu hút mạnh về đầu tư, nhất là các nhà đầu tư ở các tỉnh, thành trong cả nước tìm đến mua đất ngày càng nhiều đã khiến giá đất ở đây cũng tăng nhanh, người mua, người bán bất chấp pháp luật giao dịch bằng giấy tay. Phát sinh, tình trạng người dân lợi dụng việc thiếu về nhân lực của lực lượng Kiểm lâm ít nhưng phải quản lý địa bàn rộng, tình trạng nhiều hộ dân đã vào bao chiếm, lấn chiếm, cất nhà tạm và trồng cây lâu năm trên diện tích đất Nhà nước quản lý, diện tích đất rừng phòng hộ.
Tính đến cuối tháng 9 năm nay, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang, Ban Quản lý rừng phòng hộ và chính quyền địa phương tổ chức tuần tra rừng được 472 cuộc, có 2.319 lượt người tham gia. Đã di dời, hủy bỏ 16.250 cây trồng các loại, 140 trụ rào bê tông, 1.650m dây kẽm gai trồng, rào trái phép và 01 căn chòi cất trái phép trong rừng phòng hộ. Đến nay đã có 33 vụ vi phạm, đã đề nghị UBND huyện ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chánh 04 vụ, Hạt Kiểm lâm huyện xử lý 17 vụ, khởi tố vụ án hình sự 01 vụ và chuyển hồ sơ vi phạm 11 vụ (Kiểm lâm phụ trách địa bàn đã tham mưu Chủ tịch UBND xã Dương Tơ, Hàm Ninh và thị trấn An Thới xử lý theo thẩm quyền về hành vi lấn, chiếm đất (đất rừng phòng hộ), với diện tích là 17.206,81m2).
Lược lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Phú Quốc kiểm tra bảo vệ rừng |
Mặc dù công tác phòng chống lấn chiếm, tái lấn chiếm đât rừng được các ngành chức năng tăng cường nhưng tình hình, lấn, chiếm rừng, đất rừng và phá rừng vẫn còn diễn ở một số khu vực. Các đối tượng vi phạm làm ngày càng tinh vi có tổ chức, không kể thời gian nào, rất khó phát hiện quả tang, đối tượng vi phạm là người làm thuê từ nơi khác đến tạm trú, không nơi ở ổn định nên việc hoàn chỉnh hồ sơ vi phạm và thi hành quyết định xử phạt chưa thực hiện được theo quy định. đặc biệt hiện nay có một số vụ vi phạm về hành vi phá, lấn, chiếm rừng có liên quan đến các băng nhóm và nguồn gốc rẫy cũ đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận qua các thời lãnh đạo huyện nhưng hiện nay ranh đất vẫn lấn chiếm nằm sâu trong ranh rừng. Theo đó, một số diện tích rừng đã giao khoán cho các tổ chức,hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng hàng năm vẫn xảy ra tình trạng người dân lén lút vào chặt phá, lấn, chiếm rừng nhưng chưa phát hiện và báo cáo kịp thời.
Trao đổi với p/v,ông Huỳnh Long Hải- Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Quốc đã xác nhận: “Trên địa bàn huyện đang có tình trạng nhiều đối tượng đứng ra bảo kê cho việc bán đất chỉ từ lấn chiếm đất rừng và khi có tranh chấp là các đối tượng này sẵn sàng manh động để giải quyết mâu thuẫn tranh chấp. Ngoài ra ông Hải cũng cảnh báo là hiện nay đã xuất hiện nhiều trường hợp làm giả sơ đồ,nguồn gốc đất có xác nhận của chính quyền địa phương là đất canh tác liên tục và có cả trước năm 1975 nhưng khi xác minh tại những địa phương có xác nhận thì những giấy tờ đó đều là giấy giả”, ông Hải cho biết.
Lực lượng Kiểm Lâm Vườn Quốc gia và lực lượng Kiểm Lâm huyện Phú Quốc cùng các lực lượng khác trên địa bàn đã thường xuyên chủ động tuần tra nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng lấn chiếm đất rừng. Tuy nhiên, do lực lược ít nên một số khu vực vẫn còn xảy ra các vụ lấn, chiếm, phá, khai thác, săn bẫy bắt động vật rừng. Việc người dân lén lút đưa cây vào trồng để lấn, chiếm rừng tại các khu vực diễn biến phức tạp gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Tình hình xử lý vi phạm về lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản tăng 17 vụ so với cùng kỳ năm 2016.
Lược lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Phú Quốc kiểm tra bảo vệ rừng |
Cũng theo ông Huỳnh Long Hải cho biết- “Việc khó khăn nhất hiện nay trong công tác phòng chống lấn chiếm đất rừng đó là tình trạng sang nhượng,mua bán trái phép đất trong diện tích đất rừng phòng hộ và có cả Vườn quốc gia. Các đối tượng mua bán đất trái phép thường hay thuê mướn các đới tượng cư trú không ổn định hoặc đối tượng là người dân tộc đi chặt phá cây rừng và trồng cây trái phépbất kể ngày hay đêm nên khi bắt được thì rất khó xử lý vì Kiểm lâm chỉ có quyền giữ 24 giờ,nên khi quá thời hạn tạm giữ phải cho đơi tượng về”, nên việc xử lý các đơi tượng phá rừng lấn chiếm đât rừng đang gặp nhiều khó khăn, ông Hải chia sẻ.
Phú Quốc với hệ sinh thái rừng và biển phong phú, trong đó Vườn Quốc gia Phú Quốc là một trong những trung tâm đa dạng sinh học của nước ta. Là nơi bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới, các thực vật, động vật rừng quý hiếm và có giá trị cao. Bên cạnh đó còn có đặc điểm quan trọng đảm bảo cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho cư dân trên đảo nhằm phát triển kinh tế và xã hội tại đảo Phú Quốc.
Công tác bảo vệ ,quản lý rừng xâm chiếm đất rừng mặc dù đã được huyện Phú Quốc quan tâm chỉ đạo thường xuyên với nhiều giải pháp khá cụ thể. Tuy nhiên, để các giải pháp này phát huy hiệu quả, cần sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa chính quyền các địa phương và các ban, ngành, đơn vị liên quan trong việc ngăn chặn nạn phá rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp; đặc biệt, phải kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Có vậy, mới đủ sức răn đe các đối tượng có manh nha ý định vi phạm lấn chiếm, tái lấn chiếm làm thiệt hại diên tích rừng trên hòn đảo Phú Quốc được mệnh danh là Đảo Ngọc.
Bài & ảnh: Giang Sơn