Di dời nội bộ, bất ổn khu vực và biến đổi khí hậu đã tạo ra cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Niger, nhưng một sáng kiến ở thị trấn Ouallam đang cho thấy các cộng đồng khác nhau có thể cùng nhau tồn tại và cải thiện môi trường địa phương.
Khoảng 450 phụ nữ làm việc ở vùng đất
Ở vùng đồng bằng đầy bụi bên ngoài Ouallam, một thị trấn cách thủ đô Niamey của Niger khoảng 100 km về phía Bắc, những hàng rau xanh tươi mọc lên từ đất trong những ô gọn gàng. Tạo thêm sự tương phản cho khung cảnh khô cằn xung quanh, những người phụ nữ choàng khăn sáng màu đi giữa các hàng rau, kiểm tra các đường ống dẫn nước và tưới nước cho rau.
Khoảng 450 phụ nữ làm việc ở vùng đất này đến từ 3 cộng đồng riêng biệt: một số là người dân địa phương, những người khác đã phải di dời vì xung đột và bất an ở những nơi khác ở Niger và số còn lại là những người tị nạn từ nước láng giềng Mali.
“Tất cả chúng tôi đã trồng rau cùng với các cộng đồng khác nhau: những người tị nạn, những người phải di dời và cộng đồng địa phương Ouallam. Chúng tôi rất vui khi được làm việc cùng nhau”, Rabi Saley, 35 tuổi, người đã định cư tại khu vực này sau khi chạy trốn các cuộc tấn công vũ trang ở quê hương Menaka, cách biên giới Mali 100 km về phía Bắc cho biết.
Những sản phẩm cô trồng - bao gồm khoai tây, hành tây, cải bắp, ớt chuông và dưa hấu - giúp cô nuôi sống 7 đứa con của cô và cô có thêm thu nhập nhờ bán được những sản phẩm này ở chợ địa phương. Kể từ khi được thành lập vào tháng 4/2020, dự án vườn rau - một sáng kiến của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cũng đã giúp hàng ngàn người tị nạn và những người di dời nội bộ đến thị trấn thuận lợi hơn.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Tình trạng bất ổn chính trị và các cuộc tấn công thường xuyên của các nhóm vũ trang ở Mali và Nigeria đã đẩy 250.000 người tị nạn, hầu hết đến từ Mali và Nigeria, tìm kiếm sự an toàn ở Niger, trong khi bạo lực bên trong biên giới của đất nước đã buộc thêm 264.000 người phải di dời nội địa khỏi nhà của họ.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu đang đẩy nhiệt độ ở Sahel lên cao gấp 1,5 lần mức trung bình toàn cầu và 4,4 triệu người buộc phải di dời khắp khu vực là một trong những đối tượng chịu tác động tàn khốc nhất của hạn hán, lũ lụt và cạn kiệt tài nguyên.
Tại vườn rau của Ouallam, những người phụ nữ đã học cách chăm sóc cây trồng của họ bằng cách sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt để giảm thiểu bốc hơi và bảo tồn nguồn nước khan hiếm.
Ngoài ra, dự án vườn rau còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người Niger thích ứng với biến đổi khí hậu. Bằng cách canh tác một vùng đất rộng lớn trước đây bị thoái hóa gần thị trấn và trồng cây, họ đang giúp ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa đe dọa phần lớn đất nước.
Cộng đồng chung tay phát triển bền vững
Cũng tại Ouallam, một công việc khác đã giúp cộng đồng hòa nhập và cùng nhau bảo vệ môi trường. Nhà máy gạch của thị trấn Ouallam là nơi làm việc của 200 người để sản xuất gạch đất nung. Họ là những người tị nạn, di cư trong nước và người dân địa phương.
Những viên gạch được được làm bằng cách kết hợp đất với một lượng nhỏ cát, xi măng và nước trước khi nén chặt và phơi nắng, sau đó chúng được xếp đan xen nhau, giúp giảm nhu cầu sử dụng vữa xi măng trong quá trình xây dựng. Điều quan trọng, chúng cũng loại bỏ nhu cầu đốt một lượng lớn gỗ khan hiếm hoặc nhiên liệu khác được sử dụng để nung gạch đất sét truyền thống.
Elvis Benge, một nhân viên phụ trách nơi trú ẩn của UNHCR tại Niger cho biết, những viên gạch này được sử dụng để xây nhà cho những người được UNHCR hỗ trợ - những người tị nạn, những người di cư trong nước, cũng như một bộ phận của cộng đồng người dân dễ bị tổn thương.
“Cuối cùng, những người tị nạn và những người tiếp nhận họ đã tạo động lực thay đổi cho xã hội và giúp cộng đồng tự hỗ trợ và đảm bảo khả năng phục hồi”, Benge nhấn mạnh.