Lò đốt rác gia đình tại xã Tà Lèng, T.P Điện Biên Phủ |
Với vai trò trách nhiệm, Hội phụ nữ Điện Biên được giao nhiệm vụ giúp đỡ xã Tà Lèng – xã khó khăn nhất của T.P Điện Biên Phủ hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhiệm vụ tưởng chừng đơn giảm mà lại vô cùng khó khăn và rất khó thực hiện, bởi Tà Lèng là xã tương đối rộng, địa hình không bằng phẳng, tập trung phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các phong trào, hoạt động của người dân để giữ gìn vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế.
Chỉ với số vồn ngân sách tỉnh giao rất hạn hẹp để giúp đỡ xã hoàn thiện tiêu chí môi trường, Hội đã nghiên cứu, tính toán xây 50 lò đốt rác gia đình cho các hộ và nhóm hộ sử dụng. Ý tưởng xuất phát từ việc khảo sát thực tế, cho thấy người dân Tà Lèng còn chưa ý thức được vấn đề vệ sinh bảng làng, gia đình sạch sẽ. Nên khi đặt các lò đốt rác phân theo từng nhóm hộ gia đình quản lý, sử dụng sẽ góp phần cải thiện môi trường.
Được biết chi phí xây 1 lò khoảng gần 2 triệu đồng, thiết kế bằng gạch nung thô hoặc gạch ba banh, xây theo kiểu hình hộp vuông, có kích thước các cạnh 1m. Phía dưới có cửa hút gió và hót tro, sàn đốt cách nền đất 25cm, bên trên hố có cửa tấm tôn khung thép che nước mưa. Lò đốt thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng sử dụng. Người dân chỉ cần thu gom, phân loại và bỏ vào lò các loại rác nilon, cao su và các chất thải rắn khác. Luồng khí đối lưu tự làm khô và khi đầy lò thì chỉ cần châm lửa từ phía dưới, rác sẽ tự cháy hết. Bằng cách đốt như vậy, các loại rác khó phân huỷ trong môi trường tự nhiên như túi nilon, lốp cao su, đế giày dép… cho vào lò đốt đều cháy thành than.
Chị Lò Thị Thu, bản Nà Nghè, xã Tà Lèng cảm thấy có trách nhiệm vì được giao phụ trách lò đốt và hướng dẫn bà con từ nay không vứt rác bừa bãi. Chị cho biết, “Từ trước thì người dân gặp đâu bỏ rác đó, cũng chẳng ai đi quét đường bản bao giờ, nhưng từ bây giờ tôi sẽ tuyên truyền mọi người bỏ rác vào hố đốt và cùng nhau quét đường bản ít nhất 1 lần mỗi tháng”.
Hội LHPN Điện Biên tập huấn xây nhà tiêu hợp về sinh tại xã Sín Thầu, Mường Nhé |
Bà Vừ Đào My, Phó Chủ tịch HLHPN Điện Biên cho biết: Đây chỉ là 1 trong nhiều hoạt động xanh mà chúng tôi hướng đến. Với hoạt động này rất ý nghĩa và thiết thực để nâng cao vai trò, ý thức trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành vi sử dụng và bảo vệ nguồn nước sạch, bảo vệ môi trường vì sức khỏe gia đình và cộng đồng. Đồng thời, qua tuyên truyền để tạo sức lan tỏa rộng rãi tới hội viên và các thành viên gia đình của hội viên phụ nữ về cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Trong chuỗi hoạt động xanh mà Hội phụ nữ Điện Biên xây dựng và hướng đến là tất cả chị em ở vùng nông thôn, vùng sâu xa đều có thể tiếp cận và thực hiện được. Quan trọng nhất chị em chỉ cần thay đổi nhận thức và thói quen là đã góp phần tích cực giữ gìn môi trường xung quanh. Bởi vậy khi Hội triển khai mô hình vận động phụ nữ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đã tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động thiết thực của chị em. Các buối tập huấn diễn ra không chỉ tuyên truyền cho chị em những kiến thức vệ sinh môi trường, sức khỏe cộng đồng, mà còn hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Do đó, tại xã Sín Thầu (Mường Nhé), chỉ sau 1 tháng khi buổi tập huấn kết thúc vào tháng 10/2017 đã có 37/50 gia đình lựa chọn mô hình làm nhà tiêu vệ sinh để sử dụng.
Ngoài ra, Hội còn tích cực tuyên truyền các chi hội thực hiện mô hình thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật bỏ vào các bể chứa đặt tại cánh đồng xã Thanh Luông, huyện Điện Biên; Góp phần thiết thực bảo vệ môi trường sống, làm sạch cho cánh đồng Mường Thanh.
Nam Hương – Hoàng Châu