Xã hội

Phú Bình (Thái Nguyên): Hỗ trợ vốn hiệu quả từ rà soát kỹ diện hộ nghèo

Hoàng Ngân 29/03/2024 - 17:07

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Phú Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giúp người dân nâng cao thu nhập và đạt được những kết quả tích cực.

nuoiga_phubinh.jpg
Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học ở huyện Phú Bình, Thái Nguyên

Ngay từ đầu năm 2023, các phòng chuyên môn của huyện Phú Bình đã mở lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin trong rà soát hộ nghèo, cận nghèo cho lãnh đạo, cán bộ và điều tra viên của 20 xã, thị trấn. Ban Chỉ đạo giảm nghèo từ cấp huyện đến xã cũng phân chia thành viên thường xuyên kiểm tra, giám sát việc rà soát tại cơ sở. Qua đó giúp đánh giá đúng thực trạng hộ nghèo trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Dựa trên kết quả rà soát, giải pháp trọng tâm được huyện triển khai là thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tính đến ngày 30/11/2023, dư nợ cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn huyện là trên 593 tỷ đồng, với gần 15.000 hộ vay. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ nghèo đã có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh nguồn vốn tín dụng, huyện Phú Bình cũng phân bổ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững để thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Riêng năm 2023, huyện đã triển khai 5 dự án, gồm: mô hình chăn nuôi gà đồi an toàn sinh học, mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản, mô hình trồng rau an toàn vụ đông... Tổng kinh phí thực hiện các dự án là trên 6,7 tỷ đồng.

Ví dụ như mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản, các hộ nghèo, cận nghèo tham gia chương trình được nhận 1 con bò cái (giống lai Sind), có độ tuổi từ 12 – 15 tháng với trọng lượng từ 185 – 220 kg/con. Giống bò có đặc điểm dễ chăm sóc và phù hợp với tập quán chăn nuôi của người dân địa phương. Bò giống do Công ty CP Giống gia súc Hà Nội cung cấp, đã được tiêm phòng vắc xin.

Sau khi tiếp nhận, các hộ có trách nhiệm chăm sóc vật nuôi trong vòng 2 năm liên tiếp, không thực hiện việc cho, tặng hay sang nhượng; được hỗ trợ 100% kinh phí giống vật nuôi và 50% chi phí thức ăn, thuốc thú y trong 4 tháng đầu tiên. Ngoài tiêu chí là hộ nghèo, cận nghèo, các hộ nhận bò phải đảm bảo các điều kiện có chuồng trại, có lao động và kinh nghiệm chăn nuôi. Tại buổi bàn giao bò, các hộ được cấp phát sổ theo dõi bò và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò.

Cũng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện Phú Bình cũng triển khai và phát triển mô hình giảm nghèo chăn nuôi gà an toàn sinh học. Với tổng số gà giống hỗ trợ là 19.000 con, với 88 hộ tham gia (34 hộ nghèo, 54 hộ cận nghèo). Mỗi hộ được hỗ trợ nuôi từ 100 – 350 gà giống, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của từng hộ. Địa điểm thực hiện tại xã Tân Thành, Tân Đức, Dương Thành, Lương Phú (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).

phu-binh-2.jpg
Huyện Phú Bình tổ chức tư vấn nghề nghiệp việc làm, hỗ trợ hướng nghiệp cho các em học sinh trên địa bàn huyện

Để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn tập trung đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Trong năm 2023, trên 1.000 lao động của địa phương đã được tham gia các lớp học nghề.

Ngoài ra, UBND huyện phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp. Đây là dịp để người lao động trên địa bàn huyện Phú Bình có cơ hội tìm kiếm công việc phù hợp, tạo thu nhập ổn định. Đây cũng là hoạt động được huyện Phú Bình tổ chức thường niên nhằm kết nối cung - cầu lao động, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người lao động được tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo nghề để tìm hiểu, lựa chọn những việc làm, nghề học phù hợp.

Theo đại diện UBND huyên Phú Bình, tạo việc làm cho người lao động được huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng, quyết định đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của huyện. Do đó, Đảng bộ và chính quyền huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, giải quyết việc làm bền vững cho người lao động thông qua các chương trình phát triển kinh tế, nông nghiệp, nông thôn. Hằng năm, trên địa bàn huyện Phú Bình có trên 3.000 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoặc đi lao động ở nước ngoài.

Các giải pháp, chính sách được huyện Phú Bình triển khai kịp thời, đúng đối tượng đã góp phần giúp các hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế và thoát nghèo. Sự thành công của các mô hình giảm nghèo ở huyện Phú Bình đã tạo ra sự lan tỏa tích cực, khích lệ người dân và nâng cao dần sự chuyển biến trong nhận thức về phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá; mạnh dạn tiếp cận khoa học kỹ thuật, mạnh dạn bỏ thêm vốn vào đầu tư sản xuất, lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp với điều kiện của gia đình và địa phương.

Bước sang năm 2024, huyện đề ra mục tiêu giảm 0,78% tỷ lệ hộ nghèo trở lên. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Đồng thời quan tâm tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với nhiều nguồn vốn phát triển sản xuất; kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để giới thiệu việc làm cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Bình (Thái Nguyên): Hỗ trợ vốn hiệu quả từ rà soát kỹ diện hộ nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO