Ứng cứu nhanh, hiệu quả nhất
Quân đội, với chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, quân đội luôn tích cực, chủ động phát huy vai trò là lực lượng chủ lực, nòng cốt trong phòng chống thiên tai (PCTT).
Các đơn vị Quân đội đóng quân trên khắp các vùng, miền của Tổ quốc, từ rừng núi đến hải đảo nên việc huy động và cơ động lực lượng PCTT rất kịp thời. Mặt khác, các đơn vị quân đội được biên chế nhiều trang thiết bị, phương tiện hiện đại, vừa làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, vừa có thể sử dụng trong PCTT.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa giúp dân bản Sa Ná (Na Mèo, Quan Sơn) khắc phục hậu quả lũ quét |
Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn có tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao, có sức chịu đựng trong các tình huống khó khăn, phức tạp; có ý thức tổ chức kỷ luật; được huấn luyện, rèn luyện cơ bản; đồng thời, quân đội có hệ thống lãnh đạo, chỉ huy, công tác bảo đảm chặt chẽ từ Bộ Quốc phòng đến các đơn vị cơ sở. Đây là điều kiện rất quan trọng để quân đội thực hiện và phát huy được vai trò nòng cốt trên mặt trận PCTT mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy, giao phó.
Những năm qua, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ PCTT; xác định đây là nhiệm vụ chính trị, “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của quân đội”, từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khắc phục khó khăn, thậm chí rất phức tạp, hiểm nguy. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ luôn có mặt ở thời điểm quan trọng nhất, nơi khó khăn, phức tạp nhất; điều đó đã khẳng định vai trò của quân đội là lực lượng nòng cốt trong PCTT và là lực lượng có khả năng ứng cứu nhanh nhất, hiệu quả nhất.
“Nòng cốt” trên biên giới
Nhớ lại đợt lũ quét kinh hoàng sau cơn bão số 3 (tháng 8/2019) ở Bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa khiến nhiều người dân thiệt mạng, hàng chục ngôi nhà bị cuốn trôi, bản làng bị cô lập nhiều ngày. Ngay khi nhận được thông tin, BĐBP Thanh Hóa đã cử cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo không quản ngày đêm, cắt rừng vào với đồng bào để động viên, hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả.
Những ngày sau đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo tiếp tục bám địa bàn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng vận chuyển gạo, nước, vật liệu... giúp nhân dân dựng lại nhà cửa, vệ sinh làng bản, sớm ổn định cuộc sống.
Trên tuyến biển, các Đồn, Trạm Biên phòng gần như ngày nào cũng phải điều động lực lượng, phương tiện giúp ngư dân xử lý các sự cố tàu, thuyền, thực hiện cứu hộ, cứu giúp ngư dân bị nạn. Sự có mặt của BĐBP và các lực lượng khác đã giúp cho ngư dân luôn yên tâm bám biển, khai thác thủy, hải sản.
Nhiều nơi, BĐBP không chỉ hướng dẫn Nhân dân tránh trú bão, lũ, mà còn nhường nhà, nhường cơm, chia áo cho dân, giúp dân sơ tán, chằng chống, sửa chữa nhà cửa, tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, tham gia chữa cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn trong sạt lở đất, sập đổ công trình... Những nỗ lực đó đã giúp nhân dân hạn chế rất nhiều thiệt hại do thiên tai, sự cố, bão, lũ gây ra.
Riêng với hướng biển, 5 năm qua, BĐBP đã huy động 7.118 lượt cán bộ, chiến sĩ/896 phương tiện cứu thành công 688 vụ/3.619 người/282 phương tiện; hệ thống đài thông tin trực canh của BĐBP ven biển đã phối hợp tốt với Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam, Trung tâm Thông tin Tổng cục Thủy sản, địa phương và các cơ quan liên quan thường xuyên tổ chức phát các thông tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển cho 12.470.322 lượt người, 4.198.871 lượt phương tiện vào nơi tránh trú an toàn
Thời gian tới, dự báo biến đổi khí hậu, thiên tai, sự cố sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống của nhân dân. Để nâng cao hiệu quả phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai - ứng phó với biến đổi khí hậu, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động trong phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là trên các địa bàn trọng điểm về thiên tai, sự cố.
Đồng thời, chuẩn bị toàn diện, chu đáo về lực lượng, phương tiện, phương án phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả với mọi tình huống sự cố, thiên tai, biến đổi khí hậu. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, lực lượng, địa phương và hợp tác quốc tế trong PCTT - ứng phó biến đổi khí hậu.