Phòng chống tác hại thuốc lá: Cần sự chung tay của doanh nghiệp và cộng đồng

Mai Đan| 02/10/2019 17:30

(TN&MT) – Xác định công tác phòng chống tác hại thuốc lá và đảm bảo an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, để phong trào phát triển có chiều sâu, rất cần có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và cộng đồng.

Để phòng chống tác hại của thuốc lá, cần có sự chung tay của doanh nghiệp và cộng đồng
Để phòng chống tác hại của thuốc lá, cần có sự chung tay của doanh nghiệp và cộng đồng (Ảnh minh họa)

Thuốc lá – “án tử” cho gia đình và xã hội

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá cho rằng: “Không khói thuốc là một vấn đề vô cùng nhân văn và ý nghĩa, dựa trên việc thực hiện vấn đề sức khỏe của cộng đồng. Mọi người đều nhận thức rõ về tác hại của thuốc lá và thậm chí đứng trước hiểm họa rình rập do thuốc lá gây ra, chẳng hạn chúng ta có người nhà bị ung thư hoặc bị đột quỵ do xơ vữa động mạch do hút thuốc lá, khi đó chúng ta sẽ thấy những vất vả. Điều trị một tuần, một tháng, một năm không khỏi, những căn bệnh này như “án tử hình” và là gánh nặng lớn cho gia đình. Chúng ta cũng có thể thấy các bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường hiện nay đang là một gánh nặng lớn nhất trên thế giới. 70% bệnh nhân đến các bệnh viện ở Việt Nam đang gây quá tải trầm trọng phần lớn là mắc các bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường. Điều đáng nói, một trong những nhóm nguyên nhân chính là do hút thuốc lá, khói thuốc lá và thuốc lá tự động!”.

“Rõ ràng hành động hút thuốc lá tưởng chừng như rất bình thường nhưng đã làm xấu đi hình ảnh của thủ đô. Tôi vừa mới tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ. Tại đó, trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự lo ngại vì con trai ông chỉ mới 13 tuổi trong khi hiện nay ở Mỹ đang có phong trào hút thuốc lá điện tử, và rất nhiều người bị ảnh hưởng bởi thuốc lá điện tử. Thị trưởng thành phố NewYork Bill de Blasio cũng đã bỏ ra hàng trăm triệu đô la để thực hiện chiến dịch phòng chống thuốc lá nói chung và phòng chống thuốc lá điện tử nói riêng. Đối với một đất nước văn minh như Mỹ, luật rất nghiêm, phạt rất nặng. Những minh chứng trên cho thấy công cuộc phòng chống thuốc lá còn rất khó khăn và rất vất vả nếu chúng ta không chủ động, khi đó hút thuốc lá sẽ trở thành thói quen xấu” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá

Được biết, mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” đã được triển khai trên thế giới. Tại Việt Nam, một số thành phố đã triển khai mô hình này như: Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, Huế... và từ đầu năm 2019, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng đã duy trì và nhân rộng mô hình “Nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn thực phẩm và không khói thuốc” và bước đầu triển khai mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc”.

Trước những mối nguy hại do thuốc lá và hút thuốc lá gây ra, PGS.TS Lương Ngọc Khuê hi vọng mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” sẽ sớm thành công, nhân rộng ra tất cả các điểm văn hóa, điểm du lịch của TP Hà Nội nói riêng và là mẫu hình cho các thành phố tham quan du lịch khác nói chung.

Tăng doanh thu nhờ mô hình “không khói thuốc”

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, việc phòng chống tác hại của thuốc lá, triển khai ở các nhà hàng, khách sạn và các điểm văn hóa, du lịch đã góp phần làm nên thương hiệu, uy tín, danh dự của thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT bên lề hội nghị triển khai mô hình “Điểm du lịch không khói thuốc” vào ngày 1/10 tại Hà Nội, ông Đinh Hồng Phong – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: “Nhằm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, với mục tiêu tạo dựng hình ảnh văn minh, thương mại gắn với môi truờng du lịch an toàn và trong lành, năm 2017 UBND quận đã chỉ đạo xây dựng và triển khai đề án số 100/ĐA-UBND về mô hình "Nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn thực phẩm, không khói thuốc" giai đoạn 2017 - 2018. Đây là một đề án riêng được thực hiện tại quận Hoàn Kiếm. Đề án đã đưa ra 2 bộ tiêu chí gồm bộ tiêu chí ATTP (với 10 tiêu chí) và bộ tiêu chí phòng chống tác hại thuốc lá (8 tiêu chí). Sau 2 năm triển khai vận động, tuyên truyên đã có 109 nhà hàng, khách sạn trên địa bàn quận được thẩm định và gắn biển "Nhà hàng, khách sạn đảm bảo an toàn thực phẩm, không khói thuốc".

ông Đinh Hồng Phong – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm
Ông Đinh Hồng Phong – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm

“Theo khảo sát, các nhà hàng, khách sạn sau khi được gắn biển đã tăng doanh thu đáng kể, được nhiều thực khách và du khách biết đến; ý thức của cán bộ quản lý, của nhân viên cơ sở và khách hàng về phòng chống tác hại thuốc lá tăng lên rõ rệt. Năm 2017 số lượt khách đến thăm quan và lưu trú trên địa bàn quận là hơn 1,9 triệu lượt khách; năm 2018 con số này là 2,2 triệu lượt người; 9 tháng đầu năm 2019 số lượt khách du lịch đã tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều tiệc cưới tổ chức trên địa bàn quận đều có thông báo rõ ràng là “Tiệc cưới không hút thuốc”. Mô hình này được Bộ Y tế và Thành phố Hà Nội đánh giá cao, trở thành mô hình thi đua của quận” – ông Đinh Hồng Phong cho biết thêm.

Đồng quan điểm với ông Đinh Hồng Phong, bà Domilyn C.Villarreiz – Quản lý chương trình Môi trường không khói thuốc, Liên minh Phòng chống tác hại thuốc lá khẳng định môi trường không khói thuốc sẽ tạo thuận lợi đáng kể cho hoạt động kinh doanh, vì các gia đình có trẻ em, chủ yếu là người không hút thuốc và ngay cả người hút thuốc cũng thường thích đến những nơi không khói thuốc.

Bà Domilyn C.Villarreiz cũng cho rằng cam kết mạnh mẽ của chính quyền cũng như sự chung tay của doanh nghiệp và cộng đồng là cần thiết để thực hiện các biện pháp bảo vệ tất cả mọi người khỏi tiếp xúc với khói thuốc lá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống tác hại thuốc lá: Cần sự chung tay của doanh nghiệp và cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO