Xã hội

“Phòng, chống tác hại của thuốc lá là trách nhiệm chung của Nhà trường”

Hoài Thu (thực hiện) 07/11/2023 - 16:58

(TN&MT) - Hiện nay, tình trạng hút thuốc lá trong giới trẻ, nhất là trong các em sinh viên vẫn đang là vấn đề nổi cộm, đáng báo động. Trong bối cảnh này, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã xây dựng nhiều kế hoạch và triển khai các phương án để tuyên truyền tác hại của thuốc lá đến các cán bộ, giảng viên, cũng như sinh viên trong trường, đồng thời đưa nhiệm vụ Phòng, chống tác hại thuốc lá vào trong trường ngay khi bắt đầu năm học mới.

Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về vấn đề này.

PV: Được biết, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) giai đoạn 2023 – 2024. Xin ông cho biết, việc xây dựng kế hoạch hướng đến những mục tiêu nào?

anh-1-2-1-.jpeg
PGS.TS Hoàng Anh Huy trả lời phỏng vấn về công tác Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

PGS.TS Hoàng Anh Huy: PCTHTL là trách nhiệm chung của Nhà trường. Với mục tiêu thực thi nghiêm các quy định pháp luật về PCTHTL và giảm nhu cầu sử dụng và tiến đến từ bỏ các sản phẩm thuốc lá, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thực hiện tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giảng viên và các em học sinh về tác hại của thuốc lá nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá và nguy cơ hít phải khói thuốc lá thụ động gây ra.

Trong kế hoạch tuyên truyền, nhà trường đã nhấn mạnh về lợi ích của sức khoẻ và môi trường không khói thuốc, cùng các quy định của Luật PCTHTL, các văn bản hướng dẫn để 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hiểu biết về tác hại của thuốc lá và quy định của Luật.

Đồng thời, Trường hướng đến duy trì, nhân rộng mô hình “công sở không khói thuốc” tại văn phòng làm việc, phòng họp của các cơ quan, đơn vị; tuyên truyền vận động cán bộ, giảng viên và người học hạn chế hút thuốc lá trong sân trường, tiến đến sân trường không khói thuốc lá và phấn đấu từ nay đến năm 2024 sẽ giảm 30% - 40% cán bộ công chức, viên chức và người lao động đang hút thuốc từ bỏ sử dụng các sản phẩm thuốc lá.

PV: Trong công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và PCTHTL trong học đường, nhà trường hướng đến những nội dung trọng tâm nào, thưa ông?

PGS.TS Hoàng Anh Huy: Hiện nay, Trường đang thực hiện 3 nội dung trong việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và PCTHTL cho cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên. Trong đó, đối với công tác chỉ đạo thực hiện, Trường đã tăng cường, quán triệt triển khai đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về Luật PCTHTL, Chiến lược quốc gia PCTHTL, Kế hoạch PCTHTL và các văn bản hướng dẫn thực hiện hoạt động này của Bộ đến các cơ quan, đơn vị.

Trường cũng tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTHTL, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của Trường; niêm yết quy định/nội quy treo tại phòng làm việc, phòng học; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác PCTHTL; lấy kết quả thực hiện công tác PCTHTL là một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các đơn vị.

Bên cạnh đó, Trường cập nhật thường xuyên tài liệu, thông tin về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới; tăng cường công tác tuyên truyền về PCTHTL, trong đó tập trung các nội dung quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trường học và các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật PCTHTL; quy định cấm quảng cáo khuyến mại, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức; cấm bán thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc.

z3445863262485_51291382d68bfd28beaaaa74138e96cb.jpeg
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường có những hoạt động hưởng ứng ngày "Thế giới không thuốc lá"

Đặc biệt là phổ biến thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học viên, sinh viên tại cơ quan, đơn vị và lớp học về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe nói chung và đối với các bệnh như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD),… nói riêng.

Viết tin, bài phản ánh về hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trên Website và trang Fanpage của Trường và các đơn vị trực thuộc Trường các nội dung về thực thi Luật PCTHTL; lắp đặt các sản phẩm truyền thông về PCTHTL: Biển "cấm hút thuốc", panô, backdrop, áp phích cổ động và các hình thức phù hợp với điều kiện cụ thể hưởng ứng chủ đề PCTHTL tại các đơn vị cũng là nội dung quan trọng trong công tác tuyên truyền.

Ngoài ra, Trường đang duy trì, hoàn thiện mô hình “Công sở không khói thuốc” qua việc đúc rút kinh nghiệm nhằm nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay và xây dựng các tiêu chí đánh giá để xét thi đua hàng năm, tuyên dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có sáng kiến, có mô hình hay, hiệu quả trong công tác PCTHTL và gây ảnh hưởng, tác động tốt tới học sinh, sinh viên.

PV: Thưa ông, đối với những hoạt động trọng tâm trong công tác tuyên truyền PCTHTL như ông vừa nêu, Nhà trường đã phân công thực hiện công tác này như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất?

PGS.TS Hoàng Anh Huy: Đối với công tác này, cần huy động sự tham gia của Công đoàn Trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc tuyên truyền, phát động phong trào về PCTHTL, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đến toàn thể đội ngũ công đoàn viên, đoàn viên thanh niên trong toàn Trường và xây dựng, triển khai phổ biến các mô hình, hoạt động như “Thanh niên Bộ TN&MT thực hiện lối sống xanh, nói không với thuốc lá”; “Giảng đường không khói thuốc”,… phát động, tổ chức các diễn đàn, hội thi tìm hiểu về tác hại của thuốc lá tại các liên chi đoàn trực thuộc đoàn trường.

dsc_3466.jpeg
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Các Khoa, Bộ môn và Phòng Công tác sinh viên cũng cần lồng ghép, phổ biến các nội dung cơ bản về phòng, chống thuốc lá thông qua giảng dạy các môn học và các hoạt động ngoại khoá; chủ trì, phối hợp với Đoàn Thanh niên, Chủ nhiệm lớp, các đơn vị liên quan trong và ngoài trường triển khai Kế hoạch này tới toàn thể sinh viên, học viên.

Trong đó, sự phối hợp của Phòng Thanh tra giáo dục và Pháp chế rất cần thiết trong việc tham mưu giúp việc cho Ban chỉ đạo PCTHTL Nhà trường và Ban Giám hiệu để ban hành các văn bản quản lý, văn bản chỉ đạo liên quan đến PCTHTL; tổ chức thực hiện kế hoạch, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các nội dung đảm bảo thiết thực, hiệu quả PCTHTL.

Đặc biệt, để công tác PCTHTL trong học đường đạt hiệu quả, rất cần Phòng Tổ chức - hành chính của Trường thực hiện xây dựng kế hoạch hành động, phối hợp với Phòng Thanh tra giáo dục và Pháp chế triển khai, giám sát thực hiện chương trình, kế hoạch về PCTHTL; làm đầu mối phối hợp với Bộ TN&MT, Báo TN&MT, các cơ quan tổ chức có liên quan trong việc thực hiện công tác PCTHTL theo chức năng, nhiệm vụ của Trường.

Cùng với đó, Phòng Tổ chức – Hành chính cần xây dựng đưa nội dung thực hiện công tác PCTHTL làm tiêu chí đánh giá, xét thi đua hằng năm; phối hợp với các đơn vị trực thuộc Trường đề xuất khen thưởng cho các tập thể, cá nhân, học sinh, sinh viên có sáng kiến, mô hình hiệu quả cũng như có nhiều thành tích trong công tác PCTHTL của thuốc lá tại đơn vị, lớp học.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Phòng, chống tác hại của thuốc lá là trách nhiệm chung của Nhà trường”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO