Có thể thấy, phần lớn các vụ trẻ em tử vong do đuối nước trong thời gian gần đây đều là nhóm học sinh rủ nhau đi chơi, đặc biệt là vụ việc 8 học sinh ở Hòa Bình hồi cuối tháng 3, khiến ai nghe cũng thấy đau lòng.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, trong những tháng cao điểm nắng nóng như hiện nay, việc giảm rủi ro của các em phụ thuộc rất lớn vào sự giám sát vào gia đình và cộng đồng dân cư. Các em còn nhỏ, rất ham chơi nên các bậc cha mẹ phải luôn để mắt, đặc biệt trẻ dưới 5 - 6 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn, phải dặn dò các con không được đến gần sông, hồ, không xuống nước nếu không có người lớn đi cùng. Người lớn khi thấy nhóm trẻ em chơi đùa ở khu vực nguy hiểm nên cảnh báo hoặc báo lại cho gia đình các em.
Không nên chủ quan tai nạn chỉ ở những khu vực sông suối kênh rạch, mà chính những hồ bơi công cộng cũng có thể xảy ra đuối nước, như trường hợp cháu bé ở khu công viên nước mới khai trương tại Hà Nội đầu tháng 6 và mới đây là 2 cháu bé tại một hồ bơi trong khách sạn ở Quảng Ngãi.
Ông Sơn cho rằng, bên cạnh việc dạy kỹ năng bơi cho trẻ, vấn đề cốt lõi là các em cần biết kỹ năng xử lý tình huống. Chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra thống kê, trong số những trẻ em đuối nước có bao nhiêu trẻ biết bơi, nhưng tỷ lệ chắc chắn sẽ không nhỏ. Đơn cử như vụ việc tại Hòa Bình, trong số 10 học sinh cùng ra bãi sông chỉ có 2 em còn sống, gồm 1 em bơi được vào bờ, 1 em không biết bơi nên từ chối xuống sông cùng các bạn. Các bậc phụ huynh cần phải trang bị cho trẻ những kỹ năng sinh tồn thiết thực khi đối mặt với tình huống nguy hiểm dưới nước chứ không chỉ là dạy bơi.
Vấn đề này đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh tại Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2019. Theo đó, bơi không chỉ là một môn thể thao thú vị mà biết bơi, biết các kỹ năng phòng chống đuối nước là sự cần thiết để mỗi người vượt qua hiểm họa, nguy cơ đe doạ tính mạng của bản thân mình và có thể cứu mạng người khác. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành cần làm tốt công tác cảnh báo tại những nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước như: Vực xoáy, sụt cát, nước sâu; hạn chế rủi ro thiên tai bằng các biện pháp như giữ rừng, cấm hút cát ven sông…
Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở và cộng đồng có thể tổ chức tổ chức thêm nhiều loại hình vui chơi để các cháu tham gia trong dịp hè; tuyên truyền liên tục việc phòng tránh đ uối nước trong những tháng cao điểm… Những hoạt động này ít nhiều đều có thể hạn chế rủi ro các tai nạn liên quan đến nước cho trẻ em.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2010 - 2015, trung bình mỗi năm, Việt Nam có trên 3.000 thanh, thiếu nhi tử vong do đuối nước, trong đó, trẻ em dưới 16 tuổi khoảng 2.200 em. Con số này được giảm xuống là 1.995 em trong năm 2017 và 782 em của 42/63 tỉnh/thành trong 6 tháng đầu năm 2018. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước là do trẻ em chưa biết bơi và thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; thiếu quản lý, giám sát của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường không an toàn; do thiên tai bão lũ; do trẻ em chưa thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông đường thủy... |