Mục tiêu trên hết, trước hết trong đợt giãn cách này là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. 19 tỉnh, thành phố bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang phải được nhanh chóng khoanh vùng, dập “vùng đỏ”, bảo toàn “vành đai xanh”, chia lửa, giảm tải cho vùng nóng.
Từ quyết tâm “Phải thành công trong trận đánh cuối cùng”, Chính phủ yêu cầu phải giãn cách thật nghiêm, ràng buộc trách nhiệm cá nhân, kiên quyết không để “chặt ngoài, lỏng trong”, cán bộ nào đuối thì đứng sang một bên để người khác thay, người nào vi phạm sẽ bị xử nặng.
Các y, bác sĩ quên mình trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: MH |
Tuy nhiên, giãn cách phải đi đôi với làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh; bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn; bảo đảm tốt nhất an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đã trải qua 3 đợt chỉ đạo phòng, chống dịch thành công trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nay, Thủ tướng Chính phủ hoàn toàn tin tưởng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thay mặt Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo thủ trưởng các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện và giải quyết các vấn đề cấp bách, phát sinh trong công tác phòng, chống dịch.
Thực tế trước nay, công cuộc chống dịch của Việt Nam thành công một phần nhờ tinh thần đồng sức đồng lòng, Chính phủ yêu cầu, nhân dân chấp hành, cấp trên yêu cầu, cấp dưới thực hiện; cấp dưới có ý kiến, cấp trên tiếp thu, nhân dân có ý kiến, Chính phủ lắng nghe. Ở một đất nước mà tinh thần dân chủ được đề cao trong Nghị quyết Đảng thì mỗi sáng kiến hay đều được vận dụng, mỗi con người tốt đều được trọng dụng xứng tầm. Tinh thần ấy đã có từ thời chống ngoại xâm, nổi tiếng trong “Đại cáo bình Ngô”, tiếp tục kế thừa, phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh mà điển hình là câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền Chủ tịch nước cho chí sĩ yêu nước, Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam Huỳnh Thúc Kháng để sang Pháp dự một Hội nghị quan trọng quyết định vận mệnh của đất nước, hay trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi trao quyền cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch, Bác chỉ căn dặn Đại tướng một câu: "Tướng quân tại ngoại". Tinh thần ấy, giờ đang được Thủ tướng Phạm Minh Chính tin cậy trao vào tay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Đồng thời với ký Công văn thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tiếp chỉ đạo thủ trưởng các Bộ, ngành, địa phương và thay mặt Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề cấp bách, phát sinh mới theo thẩm quyền; yêu cầu các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo và phân công của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch.
Ba ưu tiên mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra trong tình hình mới, đó là: Phải ưu tiên việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân; Phải đảm bảo hệ thống y tế hoạt động hiệu quả; Phải kiềm chế dịch ở mức thấp nhất có thể.
Vì vậy, các kịch bản đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho nhân dân đã sẵn sàng; phân luồng giao thông bảo đảm thông suốt; nhân lực, thiết bị, sinh phẩm chống dịch cho các tỉnh được tăng cường. Đặc biệt, lập ngay “Tổ công tác đặc biệt” phòng, chống dịch Covid-19.
Càng trong những lúc nước sôi lửa bỏng càng cần bình tĩnh, đi những bước chắc chắn nhất, kiên trì chiến lược, linh hoạt biện pháp, thực hiện sắc bén hai mũi giáp công phân nhóm, thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”. Đối với những địa phương như TP.HCM, Bình Dương và những khu vực dịch lây nhiễm cao, đậm đặc, lây lan rộng, cần có giải pháp mới, cách làm mới cho phù hợp với “hai mũi giáp công”. Một mũi tập trung lực lượng tại những “vùng đỏ”, nhanh chóng bóc F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước làm sạch, thu hẹp ổ dịch, giảm xuống “vùng vàng” dần tiến tới “vùng xanh”. Mũi còn lại thực hiện tầm soát, sàng lọc kết hợp các biện pháp đồng bộ, giữ chặt “vùng xanh” an toàn; cô lập những “vùng vàng”, làm sạch để trở thành “vùng xanh”.
Chính phủ đã sẵn sàng cho một kịch bản có thể xấu và xấu hơn, nhiều bệnh viện dã chiến, bệnh viện hồi sức cấp cứu đang khẩn trương xây dựng, nâng cấp; những “phòng xét nghiệm lưu động hiện đại nhất” đã được Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga và Công ty Trường Hải Thaco (tài trợ) huy động vào Nam; những nhân lực tinh túy nhất đã có mặt tại chiến trường miền Nam; vắc-xin, trang thiết bị vật tư, y tế đang ưu tiên cho miền Nam. Những ngày gần đây, hàng trăm xe quân sự, dân sự, tàu cao tốc đường thủy chuyên chở nhu yếu phẩm… đang nhằm phương Nam thẳng tiến. Cùng với tiền phương là hàng triệu trái tim hậu phương hướng về Nam, xót xa nhường nhịn, chia sẻ yêu thương tới Chính phủ, đồng bào miền Nam cùng hàng chục nghìn người con đang dồn sức cho công tác chống dịch tại nơi đây; trao gửi khát vọng và niềm tin quyết thắng trong trận này, quyết giữ cho bằng được mặt trận này.
“Trong mỗi địa phương, có những xã, huyện có nguy cơ rất cao nhưng có những vùng có nguy cơ rất thấp. Do đó, việc thực hiện giãn cách xã hội không chỉ bảo vệ an toàn cho chính các địa phương mà còn bảo vệ các khu vực khác có nguy cơ thấp hơn”.
PGS.TS Trần Đắc Phu
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
|