Nguồn lây bệnh đe dọa cộng đồng
Theo Bộ NN&PTNT, những minh chứng khoa học cho thấy, có trên 60% bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật và khoảng 70% trong số này có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Tại khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam được xác định là 1 trong 5 “điểm nóng” toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới nổi bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi và động vật hoang dã. Dịch SARS, dịch cúm gia cầm và đại dịch Covid-19 đều xuất phát từ mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái và gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người, sinh kế, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác. Đặc biệt, sự xuất hiện và nhanh chóng lây lan toàn cầu của virus SARS-Cov-2 là minh chứng của hiệu ứng lan truyền qua di chuyển của con người, động vật và hàng hóa.
Để đối phó với dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, thế giới không ngừng nâng cao hiểu biết về nguy cơ dịch bệnh dựa trên những nghiên cứu, trao đổi chính sách, khoa học kỹ thuật và thống nhất cho rằng: Cần xác định nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe cộng đồng liên quan đến các bệnh truyền lây từ động vật sang người, từ đó triển khai các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả, điều phối ở cấp toàn cầu, khu vực và mỗi quốc gia.
Nhận thức được tầm quan trọng trong phòng chống các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người, ngay từ tháng 3/2016, Đối tác Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người (OPH) được thành lập gồm 27 thành viên.
Những minh chứng khoa học cho thấy có trên 60% bệnh truyền nhiễm mới nổi ở người, có nguồn gốc từ động vật. Ảnh: MH |
31 đối tác ký kết Thỏa thuận
Đối với Việt Nam, trong bối cảnh Covid-19 đang lây lan nhanh, Chính phủ Việt Nam đã huy động cao nhất mọi nguồn lực để phát hiện, chữa trị các ca bệnh, đồng thời áp dụng mọi biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của virut. Tuy nhiên, những thành quả đạt được chưa bền vững trong khi các thách thức của dịch bệnh mới nổi tiềm ẩn nguy cơ gây đại dịch vẫn hiện hữu. Bên cạnh đó, việc sử dụng, buôn bán động vật hoang dã khiến gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh từ động vật hoang dã sang động vật nuôi và con người. Do đó, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ TN&MT đã đại diện cho các cơ quan Chính phủ Việt nam cùng với 28 đối tác quốc tế và các bên liên quan đã xây dựng và ký Khung đối tác Một sức khỏe phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người.
Tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến (đại diện cơ quan chủ trì Đối tác MSK) cho biết: MSK được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành quả giai đoạn 2016 - 2020 thông qua sự điều phối đa ngành, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 Bộ NN&PTNT, Y tế, TN&MT và sự hỗ trợ về tài chính, tri thức, kinh nghiệm của các đối tác phát triển quốc tế và trong nước. Các bên phối hợp, thống nhất trong cách thức can thiệp, xử lý dịch bệnh khi xảy ra, cùng nhau chia sẻ đối thoại thực hành tốt và đối thoại chính sách liên quan đến bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Mục tiêu cụ thể của MSK là tăng cường năng lực thể chế, nguồn nhân lực; tạo khuôn khổ, diễn đàn cho đối thoại và phối hợp đa ngành; giảm thiểu nguy cơ làm phát sinh và lan truyền các tác nhân gây bệnh mới từ động vật sang người; tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng kháng sinh và ngăn chặn kháng sinh; giảm thiểu tác động tới sức khỏe cộng đồng của các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật; tăng cường vận động, huy động nguồn lực cho phục hồi, tái thiết và kiểm soát rủi ro do dịch bệnh nguy hiểm mới nổi và tái nổi gây ra; tăng cường kiểm soát và xử lý các tác nhân trong môi trường có khả năng tác động đến sức khỏe con người.
Để triển khai hiệu quả Khung đối tác Một sức khỏe giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành trong việc triển khai các hoạt động, các nhiệm vụ, các dự án liên quan giữa động vật, môi trường và con người. Bộ TN&MT cam kết ưu tiên một số hoạt động nhằm thúc đẩy sự phối hợp đa ngành để triển khai khung đối tác hiệu quả. Trong đó, tập trung rà soát, nghiên cứu về đánh giá tác nhân gây bệnh có mối tương tác giữa con người, động vật và môi trường; hỗ trợ xây dựng kế hoạch hành động Một sức khỏe quốc gia của ngành tài nguyên và môi trường; tổ chức nghiên cứu, đánh giá thử nghiệm, phương pháp luận về con đường lan truyền của tác nhân từ vật nuôi, sinh thái, con người, tăng cường sự phối hợp liên ngành và triển khai thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động của bệnh truyền nhiễm từ động vật.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh vai trò quan trọng của các Đối tác phát triển quốc tế và trong nước trong việc hỗ trợ và hợp tác sâu sắc trên các khía cạnh năng lực, kỹ thuật, chính sách, tài chính và những bài học kinh nghiệm quý báu về sự phối hợp của toàn xã hội để ngăn ngừa và phục hồi sau dịch bệnh như SARS, H5N1, H1N1 và hiện nay là đại dịch Covid-19.
Về phía các Đối tác phát triển, ông Karmal Maholtra, Điều phối viên thường trú cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai Khung Đối tác Một sức khỏe về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người và cuộc chiến chống Covid-19. Đồng thời cam kết sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.
Hiện nay, trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có quy định về nhận diện, đánh giá, cảnh báo, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm có khả năng tác động đến sức khỏe con người; các vấn đề về dịch bệnh và sức khỏe con người có liên quan trực tiếp đến chất ô nhiễm. Các quy định này là bước đột phá để nâng cao vai trò các vấn đề kiểm soát ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người trong chuỗi các hành động về bảo vệ môi trường.