Thủ tướng Chính phủ kiểm tra công tác chống dịch. Ảnh: chinhphu.vn |
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó dự báo, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân và ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội; đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung ứng vắc-xin còn hạn chế, trước mắt chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu trong giai đoạn hiện nay với yêu cầu đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết, từng bước kiểm soát được tình hình, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV.
Về chỉ đạo bao trùm, Nghị quyết đưa ra yêu cầu với các mức độ cao hơn trong áp dụng biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ với phương châm có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn. Đồng thời cũng đề ra chỉ tiêu cụ thể đối với TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai về thời gian kiểm soát được dịch bệnh, trong đó nhấn mạnh: Các địa phương cần sáng tạo vận dụng giải pháp “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”, bảo vệ thật chắc các “vùng xanh”; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”, phải nhanh chóng cô lập “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.
Đồng bộ xét nghiệm, chăm sóc, điều trị để giảm tối đa tử vong là tiêu chí quan trọng được Nghị quyết đặt lên hàng đầu. Trong đó, đặc biệt lưu ý các vấn đề lớn về công tác y tế, xét nghiệm sàng lọc, phân loại người nhiễm, điều trị bệnh nhân và vắc-xin, thuốc điều trị. Đồng thời, xây dựng kịch bản bảo đảm công tác y tế phòng, chống dịch bệnh trước mức độ nguy cơ cao và rất cao, diễn biến dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.
Việc kiểm soát chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội phải đi đôi với tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa. Ưu tiên cung ứng, lưu thông đối với nhóm hàng hóa là trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất, ô xy y tế, phương tiện, dịch vụ phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định đời sống của người dân, đặc biệt ở những khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, cần tích cực triển khai hiệu quả Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để bất cứ ai bị thiếu ăn.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân |
Liên quan đến vấn đề ngân sách và các nguồn lực hợp pháp bảo đảm kinh phí cho phòng, chống dịch, Nghị quyết yêu cầu điều chỉnh, cắt giảm kinh phí của các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết để tập trung kinh phí phòng, chống dịch bệnh và việc chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch bệnh chưa sử dụng hết sang năm sau.
Đặc biệt đề cao vai trò của vắc-xin trong tình hình hiện nay, Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hoạt động “Ngoại giao vắc-xin”, thúc đẩy các đối tác cung cấp vắc-xin đúng hoặc sớm hơn thời gian cam kết; tăng cường hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19 cùng với hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; chủ động đề xuất chính sách xuất cảnh, nhập cảnh phù hợp tình hình mới; nghiên cứu, tham mưu việc công nhận và cho phép “hộ chiếu vắc-xin nước ngoài” được sử dụng tại Việt Nam; làm tốt công tác bảo hộ công dân; tăng cường thông tin đối ngoại về những nỗ lực và kết quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam, về sự chủ động, tích cực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong phòng, chống dịch.
Cũng theo Nghị quyết của Chính phủ, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế; đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Dịch bệnh Covid-19 hiện đang diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, công tác phòng, chống dịch là chưa có tiền lệ, Chính phủ trân trọng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước tiếp tục chung tay, góp sức, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để sớm kiểm soát tình hình, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chính phủ cũng quyết nghị về các cơ chế, chính sách đặc thù. Cụ thể, việc cấp Giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vắc-xin phòng Covid-19. Đặc biệt, đối với thuốc điều trị và vắc-xin phòng Covid-19 được sản xuất tại Việt Nam, xem xét cấp ngay Giấy đăng ký lưu hành có điều kiện trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp quốc gia và hướng dẫn hoặc khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
|