Phòng chống bão số 4: Sẵn sàng cứu hộ cứu nạn

12/09/2016 00:00

(TN&MT) - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban chỉ đạo TW về phòng, chống thiên tai chỉ đạo, trước hết phải đảm bảo an toàn tính mạng người dân! 

 

(TN&MT) - Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương cho biết: Hồi 23 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở trên vùng biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 04 giờ ngày 13/9, vị trí tâm bão ở ngay trên vùng ven biển Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-11.

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với đới gió đông bắc, trong đêm qua và ngày hôm nay ở các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên đã có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm, một số nơi mưa to hơn như: Tiên Sa (Đà Nẵng), Tam Kỳ (Quảng Nam) 200mm; An Chỉ, Sông Vệ (Quảng Ngãi) 230mm; Hoài Nhơn (Bình Định) 240mm; Bồng Sơn (Bình Định) 270mm;…          

Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Cù Lao Chàm (Đà Nẵng) có gió giật mạnh cấp 8. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa dông, lốc kèm gió giật mạnh.            

Hồi 23 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-11.        

Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 04 giờ ngày 13/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, ngay trên vùng ven biển Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-11.         

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng-Quảng Ngãi, bao gồm cả Cù Lao Chàm và huyện đảo Lý Sơn) cấp 8, giật cấp 9-11; sóng biển cao 3-4 mét, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.            

Trong 6 đến 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).            

Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Trị đến Bình Định tiếp tục có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão (Đà Nẵng-Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-11; sóng biển cao 3-4 mét, biển động mạnh. 
Vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình-Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão (Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam) cấp 7-8, giật cấp 9-10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.            

Ngoài ra, từ đêm nay (12/9) đến khoảng ngày 14/9, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau liên tục có mưa dông và gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.             

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với đới gió đông bắc nên khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có khả năng cao xảy ra mưa dông kèm lốc xoáy và gió giật mạnh.            

Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên từ đêm nay (12/9) đến ngày 14/9 có mưa vừa, mưa to đến rất to (phổ biến 100-200mm). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.            

Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa, khu vực Nam Bộ và Nam Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to (50-100mm) kèm gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1. 

17h00’ chiều ngày 12/09 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố ven biển từ Nghệ An đến Bình Thuận.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban chỉ đạo TW về phòng, chống thiên tai chỉ đạo, trước hết phải đảm bảo an toàn tính mạng người dân, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp các địa phương tiếp tục kêu gọi tàu thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm từ vĩ tuyến 12-18 độ, phía tây kinh tuyến 116, các địa phương nằm trong vùng ảnh hường cần ra lệnh cấm biển, kiên quyết di tản người dân vào nơi tránh trú an toàn;

Đề phòng mưa lũ lớn từ Quảng Trị đến Bình Định, đặc biệt Quảng Ngãi lũ có khả năng lên mức báo động 3, các địa phương chủ động các phương án đảm bảo an toàn cho người dân; đảm bảo các phương án an toàn sản xuất nông nghiệp, đặc biệt nuôi trồng thủy sản từ Nghệ An đến Bình Thuận, chú ý đôn đốc thu hoạch lúa mùa;

Các công trình nhà cửa, dân dụng cơ sở hạ tầng cần có phương án chằng chống, đảm bảo an toàn, cảnh báo, có người trực tại các ngầm tràn không cho người dân đi qua khi có mưa lũ;

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chuẩn bị mọi lực lượng ứng trực, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn trên đất liền và trên biển khi cần thiết;

Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cơn bão, đưa ra bản tin dự báo kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó với bão của các cơ quan hữu quan, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí cập nhật tin tức đến người dân để chủ động phòng tránh;

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TW về PCTT chủ động, thường xuyên kết nối địa phương, các Bộ, ngành, tham mưu kịp thời cho Ban chỉ đạo TW về PCTT.

PV (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống bão số 4: Sẵn sàng cứu hộ cứu nạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO