Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 6 khu công nghiệp (KCN) (chưa kể KCN A Nhơn Hội) được quy hoạch, đầu tư hạ tầng, thu hút các DN và cơ sở sản xuất vào hoạt động, với tổng diện tích trên 1.705 ha. Đáng chú ý là KCN Phú Tài (345 ha), KCN Long Mỹ (100 ha), KCN Nhơn Hòa (giai đoạn 1 - 165 ha) đã cơ bản lấp đầy, đáp ứng tốt nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, nhà đầu tư, thu hút các ngành nghề sản xuất: đồ gỗ xuất khẩu, mây tre đan, dệt may, bàn ghế nhựa giả mây, dăm gỗ, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm,… Đây đều là những mặt hàng dễ cháy, nếu xảy ra sự cố cháy, không những gây thiệt hại lớn về người, tài sản, mà còn rất khó khăn cho triển khai công tác chữa cháy.
Ông Vương Phiêu Linh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bình Định (Chủ đầu tư hạ tầng KCN Phú Tài và Long Mỹ), cho rằng ngoài việc phải đầu tư mua sắm xe chữa cháy và các phương tiện PCCC, cứu nạn, cứu hộ, chủ đầu tư còn phải bố trí sử dụng diện tích đất trong KCN để làm nhà thường trực 24/24 giờ, chỗ làm việc, ăn, nghỉ cho lực lượng PCCC, có gara ô tô chữa cháy và sân, bãi tập luyện, với diện tích đất hàng trăm mét vuông. Trong khi diện tích đất tại các KCN đã được quy hoạch phủ kín các hạng mục công trình, việc phát sinh thêm diện tích đất cho đội PCCC sẽ gây nhiều khó khăn đối với chủ đầu tư hạ tầng.
Một vướng mắc khác, theo ông Linh thì đến nay, vẫn chưa có thông tư, nghị định nào hướng dẫn cụ thể về việc thành lập Đội PCCC chuyên ngành tại KCN. “Chúng tôi cũng băn khoăn về vấn đề quản lý lao động, vì các DN chỉ quản lý lao động theo Luật Doanh nghiệp nên khó quản lý lao động PCCC. Thực tế cho thấy, nếu tiền lương thấp thì người lao động xin nghỉ việc để chuyển đi nơi khác nên lao động PCCC cũng không phải là ngoại lệ. Chưa kể, những sơ suất xảy ra trong quá trình làm nhiệm vụ chữa cháy như tai nạn, mất tài sản,… vẫn chưa có thông tư nào hướng dẫn về chế độ giải quyết”, ông Linh cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Trần Văn Tiệp, Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Nhơn Hòa, cho rằng: “Từ ngày thành lập KCN đến nay, đơn vị có bố trí 1 Tổ PCCC trong KCN. Tổ PCCC này có 22 người và được trang bị một số dụng cụ chữa cháy thô sơ như bình chữa cháy cầm tay, búa, xẻng, găng tay bảo hộ,… Việc đầu tư phương tiện chữa cháy thì đến nay vẫn chưa thực hiện được”.
Ông Tiệp thẳng thắn nhìn nhận: Theo quy định của luật thì KCN Nhơn Hòa (giai đoạn 1) có diện tích 165 ha thì phải thành lập Đội PCCC chuyên ngành. Bản thân tôi cũng nhận thấy, việc thành lập Đội PCCC chuyên ngành tại các KCN là cần thiết, nhằm tăng cường công tác phòng chống cháy, nổ tại các KCN. Đây cũng là lực lượng PCCC cơ sở chia sẻ với những khó khăn hiện nay của Cảnh sát PCCC tỉnh. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí để mua sắm phương tiện lớn, nhất là xe chữa cháy nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. “Tuy nhiên, thời gian tới, chúng tôi sẽ có văn bản gửi tới các DN tham gia hoạt động, sản xuất tại KCN để vận động, thống nhất phương án xây dựng Đội PCCC chuyên ngành. Việc triển khai có thể sẽ làm theo phương thức xã hội hóa”, ông Tiệp nhấn mạnh.
Trao đổi với PV, Đại tá Phạm Đình Trung, Phó Giám đốc CA tỉnh Bình Định, nhấn mạnh: Vừa qua, CA tỉnh đã làm việc với Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh bàn các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định của Luật PCCC thành lập Đội PCCC chuyên ngành tại các KCN, đảm bảo phương án PCCC “4 tại chỗ”. Tuy nhiên, khúc mắc hiện nay là các đơn vị chưa bố trí được nguồn hỗ trợ chế độ cho lực lượng hội viên đội PCCC chuyên ngành, rồi kinh phí đầu tư xe chữa cháy, nhiên liệu cung cấp cho phương tiện,…. Khó khăn là vậy, nhưng tôi nghĩ luật đã quy định thì phải chấp hành. Do đó, thời gian tới mỗi KCN phải bố trí ít nhất được 1 xe chữa cháy. Ngoài yêu cầu này, Cảnh sát PCCC sẽ tăng cường kiểm tra, phúc tra, hướng dẫn các biện pháp an toàn PCCC với các cơ sở trong các KCN, kiên quyết xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm quy định PCCC.
Qua các đợt kiểm tra về PCCC tại các DN trong KCN, Phòng Cảnh sát PCCC, cứu nạn, cứu hộ (CA tỉnh Bình Định), đã chỉ rõ nhiều tồn tại, thiếu sót, không bảo đảm yêu cầu PCCC như về giao thông, nguồn nước, khoảng cách ngăn cháy, điều kiện thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra, biện pháp chống cháy lan và chống tụ khói cho công trình. Việc quy hoạch trong các KCN chưa thống nhất, chỉ thực hiện theo hình thức chia lô, làm đường nội bộ cho thuê. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, nhất là vào mùa nắng nóng, hanh khô.
Theo Khoản 25, Điều I, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC và Điều 32 Nghị định 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì chủ đầu tư cơ sở hạ tầng tại KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao có trách nhiệm thành lập và trực tiếp duy trì hoạt động của đội PCCC cơ sở hoạt động theo chế độ chuyên trách. Thông tư số 66/2014/TT-BCA của Bộ CA cũng quy định: Chủ đầu tư cơ sở hạ tầng các KCN có diện tích 50 ha trở lên thì phải thành lập Đội PCCC chuyên ngành.