Nhiều thế mạnh cho nhà đầu tư
Quảng Ngãi có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với diện tích hơn 5.000 km2, dân số gần 1,3 triệu người, với 14 huyện, thành phố (trong đó có huyện đảo Lý Sơn). Địa phương có các vùng kinh tế rõ rệt: miền núi, đồng bằng đô thị và ven biển hải đảo, có thể đầu tư phát triển cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ du lịch và kinh tế biển đảo.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý Quảng Ngãi cần tăng cường phối hợp kết nối với các địa phương trong việc hoạch định các chính sách phát triển KT-XH |
Quảng Ngãi đã xây dựng được một hệ thống giao thông đồng bộ, thông suốt đảm bảo cho quá trình đầu tư phát triển, với tuyến quốc lộ 1A nối liền Bắc Nam; hệ thống đường sắt Bắc Nam; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; quốc lộ 24 nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào. Trung tâm thành phố Quảng Ngãi cách sân bay Chu Lai khoảng 45km về phía Bắc; có cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn, là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế.
Ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay: “Hiện nay, Quảng Ngãi có Khu kinh tế Dung Quất được quy hoạch với diện tích hơn 45.000 ha. Là một trong 5 Khu kinh tế ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam hiện nay. Tại Khu kinh tế Dung Quất đã thu hút được các dự án quy mô lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất; Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Nhà máy công nghiệp nặng Doosan; Khu công nghiệp đô thị Dung Quất; Khu Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP và các dự án quan trọng khác”.
Ngoài Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi còn có 4 khu công nghiệp tập trung và 15 cụm công nghiệp, làng nghề được đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu cho các nhà đầu tư để đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trong đó, Khu phức hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP là một trong những dự án mới, kiểu mẫu đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Trần Ngọc Căng cho biết.
Cũng theo ông Căng, trong thời gian qua, Quảng Ngãi đã từng bước phát huy lợi thế, tiềm năng của tỉnh ven biển, tập trung đầu tư phát triển, nên đã đạt được nhiều bước chuyển quan trọng: Kinh tế - xã hội duy trì nhịp độ tăng trưởng khá; hạ tầng công nghiệp, giao thông, đô thị được đầu tư nâng cấp mở rộng; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên; quốc phòng, an ninh được tăng cường.
Quảng Ngãi có Khu kinh tế Dung Quất được quy hoạch với diện tích hơn 45.000 ha. Là một trong 5 Khu kinh tế ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam hiện nay |
Quảng Ngãi tích cực và quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ đột phá và trọng tâm chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đồng thời, thực hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.
Đẩy mạnh hạ tầng thu hút đầu tư
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Ngãi trong việc phát triển KT-XH và thu hút đầu tư của Quảng Ngãi. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những khó khăn Quảng Ngãi phải đối mặt như: nền kinh tế tuy tăng tưởng khá nhưng quy mô còn nhỏ, chất lượng sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện nhưng chưa ổn định, chưa có sức hút lớn.
Theo Phó Thủ tướng, Quảng Ngãi có hệ thống giao thông khá đồng bộ với hệ thống đường sắt, đường bộ Bắc - Nam, đường cao tốc, cảng biển, gần sân bay Chu Lai... phục vụ tốt cho thu hút đầu tư và phát triển KT-XH. Có nhiều KCN, đô thị dịch vụ, nhiều doanh nghiệp lớn là cơ hội để phát triển kinh tế. Có ngư trường rộng lớn trên 11.000km2, đường bờ biển dài 130km là tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế, du lịch biển.
"Quảng Ngãi phải xác định những dự án trọng điểm nhằm ưu tiên kêu gọi đầu tư, cần tập trung thu hút đầu, cần tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chú trọng công nghiệp lọc hóa dầu, hiện ta mới có lọc dầu, cần đẩy mạnh phát triển hóa dầu" - Phó Thủ tướng nói.
Quảng Ngãi đã xây dựng được một hệ thống giao thông đồng bộ, thông suốt đảm bảo cho quá trình đầu tư phát triển |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý Quảng Ngãi cần tăng cường phối hợp kết nối với các địa phương trong việc hoạch định các chính sách phát triển KT-XH. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. "Ngoài ra chúng ta cần tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng các khu kinh tế, KCN, đô thị, các khu du lịch để tạo môi trường huy động các nguồn đầu tư. Tập trung đào tạo nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo sự đồng thuận trong người dân. Nơi nào người dân không ủng hộ thì không làm được gì cả. Chúng ta làm gì cũng phải vì dân" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bài & ảnh: Xuân Lam