Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thị sát tuyến đê Hà Nam, hồ Yên Lập (TX. Quảng Yên), và một số vị trí xung yếu của tỉnh. Tại những nơi kiểm tra, đồng chí Phó Thủ tướng đã trò chuyện, động viên với các lực lượng đang trực tiếp làm nhiệm vụ gia cố tuyến đê, bảo vệ hồ, tham gia phòng, chống bão.
Báo cáo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho thấy, ngay khi có thông tin về cơn bão MangKhut có thể ảnh hưởng tới địa bàn, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương tập trung theo dõi sát diễn biến của bão, chuẩn bị kỹ các phương án phòng, chống. UBND tỉnh đã ra công điện khẩn về chủ động các biện pháp phòng chống siêu bão Mangkhut. Đến thời điểm này, mọi công tác đã được chuẩn bị chu đáo; việc theo dõi, ứng trực cơn bão được thực hiện 24/24h từ cấp tỉnh đến cơ sở. Các tàu thuyền trên địa bàn đã về nơi tránh trú bão an toàn; các tuyến đê, kè đã được kiểm tra, gia cố, nhất là những khu vực xung yếu; tăng cường thông tin tuyên truyền đến người dân về diễn biến cơn bão.
Sau khi đi kiểm tra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện công tác phòng, chống các cơn bão. Đồng thời Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Quảng Ninh không chỉ đẩy mạnh phát triển KT-XH, mà đối với công tác phòng, chống lụt bão thời gian qua cũng rất được quan tâm, tập trung cao độ. Đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành, giám sát từ cấp tỉnh đến cơ sở rất chặt chẽ, hiệu quả; song song với đó, tỉnh đã đầu tư hệ thống đê điều, các hồ chứa nước, hệ thống thoát nước đồng bộ. Đồng thời, đánh giá cao công tác phối hợp các lực lượng trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại địa phương. Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung, nên nhiều năm qua, công tác phòng, chống lụt bão đã được tỉnh thực hiện rất tốt, không để xảy ra thiệt hại lớn.
Phó thủ tướng lưu ý với tỉnh Quảng Ninh, do Mangkhut là cơn bão mạnh, đã tàn phá nhiều quốc gia trên đường đi qua như Philippin, Trung Quốc. Mặc dù đến thời điểm này, theo dự báo, cơn bão đã suy yếu, tuy nhiên, do đường đi của bão khá phức tạp nên địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến của bão. Cần chuẩn bị kỹ phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phương tiện, thiết bị, nguồn nhân lực ứng phó nhanh, kịp thời với cơn bão. Đảm bảo phương án sơ tán, di dời người dân khi cần thiết. Mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong trường hợp bão không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh, thì vẫn có ảnh hưởng từ hoàn lưu bão gây mưa lớn, do vậy, mọi phương án ứng phó phải được chuẩn bị kỹ càng, không được chủ quan, lơ là. Tỉnh cần tiếp tục tập trung trong công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở. Huy động tất cả tàu tuyền về nơi tránh trú bão an toàn, không để tàu thuyền ra khơi trong điều kiện thời tiết chưa đảm bảo; siết chặt công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các hồ, đập trên địa bàn. Cùng với đó, Quảng Ninh là địa bàn phát triển về du lịch, dịch vụ, công nghiệp… do vậy, tỉnh cũng cần có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người dân ở gần các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất. Riêng đối với các mỏ, hầm lò trên địa bàn, cần có phương án hiệu quả để phòng chống mưa bão, ngập lụt hiệu quả.