(TN&MT) - Chiều 28/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự phiên khai mạc Diễn đàn Liên Chính phủ về Giao thông vận tải bền vững môi trường khu vực Châu Á lần thứ 12 (EST 12).
Dự phiên khai mạc Diễn đàn EST12 còn có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng; lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cùng hàng trăm đại biểu trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn EST 12 |
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, việc Việt Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn EST12 năm 2019 thể hiện vai trò, trách nhiệm là thành viên của Liên hợp quốc trong nỗ lực chung phát triển giao thông vận tải bền vững về môi trường và cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế trong hợp tác giao thông vận tải... Đây cũng là cơ hội để truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về mục tiêu phát triển bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường và giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng gợi ý các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp thúc đẩy phát triển thành phố thông minh, hệ thống giao thông thông minh, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải chất gây ô nhiễm, bảo vệ môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị, đảm bảo xây dựng hệ thống giao thông an toàn và thuận tiện.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn EST 12 |
Trên cơ sở đó, Diễn đàn EST12 sẽ tập trung thảo luận các chính sách về giao thông vận tải bền vững với môi trường; tích hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phát triển đô thị; phát triển dịch vụ vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông bền vững; ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến; các giải pháp về thể chế, cơ chế tài chính mới và mối quan hệ đối tác trong việc xây dựng các thành phố và cộng đồng an toàn, thông minh, thích ứng và phát triển bền vững.
Quang cảnh Lễ khai mạc Diễn đàn EST 12 |
Đặc biệt, các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận về việc giảm ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị thông qua việc xác định và thảo luận các cơ hội và thách thức phát triển hệ thống giao thông vận tải phát thải các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải chất gây ô nhiễm như: phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng sạch cho xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy; nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới; phát triển hạ tầng giao thông cho người đi xe đạp, người đi bộ tại các đô thị...
Đồng thời, trao đổi về vấn đề nâng cấp các dịch vụ vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông, tạo thêm các lựa chọn về an toàn giao thông đường bộ và an toàn giao thông đô thị; tối ưu hóa mạng lưới đường bộ và quản lý các điểm dừng đỗ tại đô thị; phát triển thành phố và cộng đồng theo hướng giao thông an toàn và thuận tiện.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại phiên khai mạc Diễn đàn EST 12 |
Các đại biểu cũng cùng nhau thảo luận cách thức để các quốc gia Châu Á có thể đóng góp vào Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững 11 thông qua việc thực hiện các giải pháp công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, mạng Internet vạn vật, hệ thống giao thông thông minh, các ứng dụng dịch tự động, các mạng lưới cảm biến và vận tải các-bon thấp...
Diễn đàn EST 12 diễn ra từ ngày 28 - 30/10/2019 với 15 sự kiện chính và chương trình đi khảo sát kỹ thuật về thành phố thông minh tại tỉnh Quảng Ninh vào ngày 31/10/2019.
Sau phiên khai mạc, trong 2 ngày 29 và 30/10 của Diễn đàn EST 12 diễn ra các phiên toàn thể với các nội dung như: Vai trò tương lai của EST và phát triển thành phố thông minh, có khả năng thích ứng và bền vững; Các đồng lợi ích về chất lượng không khí của vận tải khối lượng lớn, phát thải các-bon thấp - tương lai của Châu Á. Các phiên đối thoại chính sách với nội dung: Thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng giao thông đô thị trong bối cảnh thành phố thông minh và có khả năng thích ứng - Vai trò của khối tư nhân, các ngân hàng phát triển và nhà tài trợ; Hiện thực hóa thành phố thông minh ở Châu Á; Kết quả ban đầu của tuyên bố Bangkok (2010-2020) đến 2030 phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững; Thông qua tuyên bố EST Hà Nội về thành phố thông minh ở Châu Á... Phiên Đối thoại chính sách EST cấp Chủ tịch tỉnh, thành phố với chủ đề: Sự chuyển đổi của các thành phố Châu Á thông qua phát triển hệ thống xe buýt hấp dẫn, hiệu quả và giá cả phải chăng - Đạt được mục tiêu phát triển bền vững 11. |