Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020

29/03/2019 16:43

(TN&MT) - Ngày 29/3, tại thành phố Quy Nhơn diễn ra Hội nghị Ban chỉ đạo nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức. Chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng.

Quang cảnh Hội nghị Ban chỉ đạo nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020
Quang cảnh Hội nghị Ban chỉ đạo nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020

Năm 2018 là năm thứ ba thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; nhiều chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp được triển khai; việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo điều kiện cho người sản xuất có thêm nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng; sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gỗ có nhiều thuận lợi do thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều tăng trưởng mạnh.

Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc, năm 2018 đạt 41,65%, tăng 0,2% so với năm 2017; diện tích rừng toàn quốc tăng thêm là 67.661 ha so với năm 2017. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2018, đạt 32.022 tỷ đồng, tăng 6,09% so với năm 2017.

Năm 2018, phát hiện 12.945 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 3.577 vụ, tương ứng 22% so với năm 2017; diện tích rừng bị thiệt hại 936 ha, giảm 515 ha, tương ứng giảm 35% so với năm 2017. Các hành vi, vụ việc vi phạm đã giảm cả về số lượng và quy mô. Tổng số vụ vi phạm đã được xử lý là 11.289 vụ trong đó xử phạt hành chính 10.926 vụ, giảm 3.077 vụ (tương ứng 22%) so với năm 2017; xử lý hình sự 363 vụ, tăng 51 vụ (tăng 16%) so với năm 2017. Diện tích rừng đặc dụng thêm 79.283 ha so với năm 2015, trong đó: tăng do thành lập mới 12 khu với 77.902 ha, mở rộng 01 khu với diện tích 338 ha; đã phục hồi được 25.273 ha rừng bị suy thoái, đạt 99,1% nhiệm vụ của cả giai đoạn 2016 - 2020.

IMG 3301
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trị Hội nghị 

 Các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, kể cả đối với diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng năm 2018 đạt 27,5 triệu m3, trong đó: Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung năm 2018 đạt 18,5 triệu m3, tăng 3% so với năm 2017; sản lượng khai thác gỗ cây trồng phân tán và cây cao su tái canh khoảng 9,0 triệu m3. Nguồn nguyên liệu trên đã đáp ứng 80% nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Tổng số doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản hiện có khoảng 4.500 doanh nghiệp với 1.863 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xuất khẩu, trong đó khối FDI có trên 700 doanh nghiệp đã hình thành công nghiệp chế biến gỗ lớn mạnh về quy mô và trình độ công nghệ. Giá trị kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 9,382 tỷ USD, tăng 15,9% so với 2017. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính đạt 7,067tỷ USD. Sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng yêu cầu mở rộng, thâm nhập vào thị trường quốc tế.

Đến nay, đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu sang trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu lâm sản chủ yếu tại 5 thị trường chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm 87,33%  tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2018 khoảng 2,317 tỷ USD, tăng 6,27% so với năm 2017.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo

Trong 3 năm (2016-2018), tổng vốn đã huy động được để thực hiện Chương trình được khoảng 32.296 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch huy động vốn. Ngoài ra, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) đã xuất cấp 38.661 tấn gạo (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 93.224 tấn) từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ hộ nghèo tham gia bảo vệ và phát triển rừng tại 04 tỉnh với 17 huyện, gồm: Hà Giang (06 huyện), Bắc Giang (01 huyện), Thanh Hoá (06 huyện), Nghệ An (04 huyện). Kết quả: Số hộ nghèo được trợ cấp 91.894 lượt hộ; diện tích rừng được khoán bảo vệ 1.320.613 lượt ha; diện tích rừng được trồng, chăm sóc 21.665 ha.

Sang năm 2019, Chương trình tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có. Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích, góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng và thu hút sự hỗ trợ của quốc tế, tiến tới tiếp cận thị trường tín chỉ các bon.

Đại biểu tham dự Hội nghị
Đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ NN-PTNT tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020; tăng cường đôn đốc giám sát các địa phương trong việc thực hiện; triển khai hiệu quả Luật Nông nghiệp và các văn bản thi hành; chủ động điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới những cơ chế chính sách liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng; đôn đốc các bộ, ngành địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 71 ngày 08/8/2017; tập trung chỉ đạo nghiêm thực hiện đề án Bảo vệ, khôi phục và phát triển bền vững rừng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020; thực hiện chỉ thị một số nhiệm vụ giải pháp phát triển nhanh bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; nghiên cứu, rà soát, đánh giá các cơ chế chính sách để điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới làm căn cứ khuyến khích, hỗ trợ, bảo vệ và phát triển rừng. Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT tổng hợp các danh mục dự án ODA cho nông nghiệp, trong đó ưu tiên khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, ven biển. Rà soát báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bổ sung vốn đầu tư phát triển Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững theo Quyết định 886 ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, ngành lâm nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao. Đây là nguồn cổ vũ động viên to lớn để toàn ngành tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, trí tuệ tập thể để vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đưa ngành lâm nghiệp phát triển bền vững, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người trồng rừng và phát triển nghề rừng, đảm bảo an ninh môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO