Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ về tình hình di dân tự do trên địa bàn, ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Từ năm 1976 đến tháng 7/2018 đã có 290.679 nhân khẩu của 60 tỉnh, thành phố đến Đắk Lắk, cư trú trải rộng trên 13 huyện, thị xã, thành phố của Đắk Lắk.
Trong đó, dân tộc Kinh chiếm 40.741 hộ với 190.722 khẩu, dân tộc thiểu số 18.961 với 99.957 khẩu. Di dân tự do đến Đắk Lắk thời gian qua chủ yếu là nhóm hộ đồng bào dân tộc thiểu số của các tỉnh miền núi phía bắc, cư trú ở vùng sâu, vùng xa, hầu hết rất khó khăn về kinh tế với ngành nghề chính là sản xuất cây lương thực, sản xuất tự cung, tự cấp, đời sống một số vùng chưa được hỗ trợ đầu tư nên gặp rất nhiều khó khăn.
Về kết quả bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do giai đoạn 2013-2018, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai rà soát bổ sung quy hoạch tổng thể đến năm 2020. Theo đó, tổng số dự án đầu tư bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng 17 dự án, phê duyệt 15 dự án và đang thực hiện 13 dự án với tổng số 1.884 hộ, 7.043 nhân khẩu.
Tỉnh đã bố trí, sắp xếp ổn định 2.986 hộ với 9.697 khẩu, trong đó bố trí tập trung 776 hộ với 3.875 nhân khẩu, ổn định tại chỗ 2.210 hộ với 5.822 nhân khẩu với chủ yếu là người Tày, Mông, Dao.
Hiện Đắk Lắk chưa bố trí, sắp xếp ổn định cho 4.111 hộ với 20.102 nhân khẩu.
Chỉ ra mặt tích cực của di dân tự do đến Đắk Lắk là bổ sung cho tỉnh một lực lượng lao động dồi dào để phát triển nông nghiệp, làm phong phú kinh nghiệm sản xuất, cung cách làm ăn, đặc sắc văn hoá các vùng miền…
Tuy nhiên, di dân tự do cũng tạo ra những bất cập về công tác quản lý dân cư, nhân khẩu, an ninh trật tự trên địa bàn, xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội.
Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình biểu dương những nỗ lực, cố gắng của tỉnh Đắk Lắk đối với công tác di dân tự do trên địa bàn trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng đã chỉ ra những kết quả đạt được trong công tác bố trí, ổn định di dân tự do với việc chỉ đạo lập 17 dự án, phê duyệt 15 dự án đầu tư xây dựng, bố trí ổn định dân cư trên địa bàn, làm cơ sở xem xét, xây dựng kế hoạch hằng năm và tổ chức thực hiện, chế độ chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với người dân và các hộ gia đình được bảo đảm thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc trong công tác này như việc chưa bố trí, sắp xếp ổn định cho 4.111 hộ với 20.102 nhân khẩu hiện nay.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trong quá trình bố trí ổn định di dân tự do nếu chúng ta không có quy hoạch sẽ phá vỡ quy hoạch 3 loại rừng, cuộc sống khó khăn sẽ phát sinh các bức xúc, nảy sinh các tranh chấp đất đai, điểm nóng về khiếu kiện đông người… Do đó, phải đánh giá cho đúng, có chính sách hiệu quả về di dân tự do như chính sách đất đai, bảo vệ rừng, an sinh để có được hệ thống chính sách đúng đắn trong công tác này.
Nêu rõ quan điểm chỉ đạo thực hiện công tác di dân tự do, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Đắk Lắk cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, quản lý nhà nước về dân cư, đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như chặt phá rừng, buôn lậu gỗ, chống người thi hành công vụ; tiếp tục củng cố, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác chặt chẽ với các nước có chung đường biên giới, xây dựng tuyến biên giới hoà bình, hữu nghị và phát triển; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành có liên quan trong việc ban hành chính sách, chỉ đạo thực hiện thống nhất, bảo đảm tính phù hợp, khả thi và hiệu quả của chính sách.
“Việc thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di tự do phải gắn với các chương trình, dự án trên địa bàn để khi thực hiện phải bảo đảm được điều kiện sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập để bảo đảm ổn định đời sống lâu dài cho người di dân tự do, nhằm hạn chế tình trạng di dân tự do không theo kế hoạch”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Nhấn mạnh về các giải pháp chủ yếu của công tác này, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần nâng cao năng lực hệ thống chính trị từ cơ sở để quản lý chặt chẽ địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền về vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách về ổn định dân cư, xoá đói giảm nghèo; thực hiện tốt Chỉ thị số 39/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết dân di cư tự do và Thông báo số 333/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ; hoàn thiện chính sách phát triển nông thôn bền vững, lồng ghép có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với Chương trình di dân ra khu vực biên giới, tập trung đầu tư cho phát triển nông lâm nghiệp với các loại cây trồng, con giống có mức sinh lợi cao, giảm sự cách biệt trong phát triển KT-XH giữa các vùng; rà soát dành quỹ đất để cấp đất ở, đất sản xuất cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các xã thuộc chương trình bố trí dân cư các xã biên giới; tập trung đầu tư dứt điểm các dự án đang triển khai, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành và mở 4 dự án để ổn định đời sống cho 4.111 hộ với hơn 20 nghìn nhân khẩu nằm trong vùng quy hoạch dự án; thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn với chương trình bố trí dân cư đồng bộ để phát triển kinh tế-xã hội vùng đặc biệt khó khăn, nghiên cứu thay đổi cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất cho không như hiện nay bằng hình thức cho vay không lãi hoặc hỗ trợ lãi suất.
“Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, nhất là các điểm sắp xếp, ổn định dân di cư tự do để hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kinh tế-xã hội, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, thâm canh tăng vụ, nâng cao năng suất, chất lượng và sản phẩm đầu ra; huy động các nguồn vốn từ các doanh nghiệp, các tổ chức hợp pháp khác để đầu tư, hỗ trợ người dân ổn định đời sống, phát triển sản xuất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông lâm nghiệp, các ban quản lý rừng và tổ chức, hộ gia đình sử dụng, tập trung rà soát, đánh giá đúng thực trạng quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp.
Các cấp chính quyền khẩn trương xác minh, hoàn thiện hồ sơ, thực hiện việc nhập hộ khẩu, cấp căn cước công dân, đăng ký tạm trú, thường trú, hình thành và công nhận các điểm, nhóm dân cư theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, bảo đảm quản lý chặt chẽ dân cư, trật tự an toàn xã hội; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đối tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để kích động đồng bào di dân tự do, tạo điều kiện để các tôn giáo hợp pháp hoạt động theo quy định của pháp luật; cử lực lượng xuống cơ sở để nắm tình hình, ngăn chặn tình trạng người dân vào vùng sâu phá rừng, giải quyết dứt điểm các vụ phá rừng trái phép, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Đối với các kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất, báo cáo cụ thể với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.