(TN&MT) - Ngày 16/10, Đoàn công tác Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kiểm tra, thị sát tình hình và hỗ trợ khắc phục thiệt hại bão số 11 ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và tặng quà cho gia đình chị Nguyễn Thị Tăng (thị trấn Ái Nghĩa), căn nhà của gia đình chị đã bị gió bão cuốn tốc mái. Ảnh: VGP/Hồng Hạnh |
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả bão lụt, tặng quà, động viên các gia đình có nhà bị tốc mái ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Đây là địa phương bị thiệt hại nặng nề do bão số 11 với 3500 nhà bị sập và tốc mái; gió bão cũng đã làm cột ăng ten của Đài truyền thanh-truyền hình huyện và một số hệ thống thông tin bị đổ ngã. Tại TP. Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình khắc phục sạt lở bờ biển ở đường Hoàng Sa, quận Sơn Trà; kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại ở trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Hải Châu bị tốc mái, nhiều phòng học bị hư hỏng nặng, bàn ghế vỡ vụn, gây khó khăn cho việc dạy và học trở lại.
Sau khi kiểm tra thực tế tại các địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng và các bộ ngành Trung ương, đánh giá tình hình thiệt hại và phương án khắc phục.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúcđến thăm, tặng quà và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 11 tại trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Đà Nẵng) |
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo TP. Đà Nẵng cho biết bão số 11 gây ra 11 người bị thương, làm sập hoàn toàn 122 nhà, 178 nhà sập từng phần, 1.134 nhà bị tốc mái hoàn toàn, 4.317 nhà tốc mái một phần, hàng ngàn cây xanh bị ngã đổ, hệ thống điện hư hỏng thiệt hại hơn 800 tỷ đồng. Sau khi bão tan, TP. Đà Nẵng đã huy động toàn bộ lực lượng giải phóng đường, khôi phục hệ thống điện, nước. UBND TP. Đà Nẵng đã có quyết định hỗ trợ cho các gia đình trên địa bàn thành phố bị sập, tốc mái và người bị thương trong cơn bão số 11. Theo quyết định, trong cơn bão số 11 vừa qua, người bị thương nặng phải vào bệnh viện điều trị là 3 triệu đồng/người; hộ có nhà đang ở bị sập, trôi là 10 triệu đồng/hộ; hộ có nhà đang ở bị tốc mái hoàn toàn hỗ trợ tối đa không qua 4 triệu đồng/ hộ; hộ có nhà đang ở bị tốc mái một phần hỗ trợ tối đa không quá 1 triệu đồng/ hộ. Riêng đối với các hộ chính sách, kể cả con liệt sĩ có nhà đang ở bị sập, trôi hoàn toàn thì mức hỗ trợ là 30 triệu đồng/ hộ. “Đề nghị TƯ, hỗ trợ khẩn cấp Đà Nẵng 500 tỷ đồng khắc phục hậu quả sau bão; đầu tư nâng cấp cải tạo nơi neo đậu tàu thuyền đang quá tải trong điều kiện mưa bão”, ông Văn Hữu Chiến - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị.
Theo báo cáo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, cả tỉnh có 3 người chết, hơn 21 ngàn ngôi nhà bị tốc mái, hơn 34 ngàn ha cây công nghiệp và lâm nghiệp bị đổ ngã, thiệt hại về dân sinh là rất lớn. Tỉnh Quảng Nam đã huy động các lực lượng dọn dẹp đường sá, che, lợp lại nhà cửa bị tốc mái, khôi phục hệ thống điện, đường sá, dọn vệ sinh môi trường. Tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài 2 người chết do mưa lũ sau bão (đã mất tích trước đây), còn có 669 nhà tốc mái, 17 nhà tạm bị sập, 190 ha cao su, 390 ha keo… gây thiệt hại 75 tỉ đồng về dân sinh và sản xuất, chưa kể thiệt hại cơ sở hạ tầng; đề nghị Trung ương hỗ trợ 20 tỉ về dân sinh, 30 tỉ về kè biển để khắc phục sự cố sau lũ.
Tỉnh Quảng Ngãi không phải là nơi tâm bão đi qua nhưng cũng có 577 ngôi nhà, 15 trường học, trạm y tế bị tốc mái, huyện đảo Lý Sơn bị thiệt hại nặng nề. Đến sáng 16/10, toàn tỉnh có 9 người bị thương trong đó 5 người bị thương nặng. Tỉnh Quảng Ngãi thiệt hại ước tính trên 65 tỷ đồng, đề nghỉ Trung ương hỗ trợ 40 tỷ đồng, 500 tấn gạo để khắc phục sự cố.
Lực lượng vũ trang giúp dân khắc phục hậu quả do bão số 11 gây ra |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn với gia đình các nạn nhân có người chết, bị thương, nhà cửa bị hư hại, đánh giá cao tinh thần chủ động của người dân cũng như sự quyết liệt trong công tác đối phó với bão số 11, nên đã hạn chế được đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, nhất là hạn chết được số người chết, bị thương. Đồng thời Phó Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các địa phương coi nhiệm vụ ưu tiên hiện nay là chăm lo các gia đình có người bị nạn, động viên bà con nhanh chóng dọn dẹp, xây dựng lại nhà cửa, ruộng vườn bị hư hại; cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân vùng bão, không để bà con bị đói. Đồng thời tăng cường thêm lực lượng quân đội xuống giúp đỡ người dân dọn dẹp nhà cửa, trường học để học sinh nhanh chóng đi học trở lại. Sở Y tế cung cấp thuốc khử trùng, đảm bảo vệ sinh nước sạch cho các khu vực ngập lũ. Chính phủ sẽ giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cân đối nguồn kinh phí để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương khắc phục hậu quả bão số 11, nhanh chóng ổn định đời sống người dân.
Tin & ảnh: Lan Anh- Quỳnh Anh