Theo đó, Phó Thủ tướng đã họp khẩn với các địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và Quảng Trị.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tiền phương, các tỉnh từ Quảng Trị - Bình Định đã rà soát, sẵn sàng sơ tán dân bị ảnh hưởng do bão với tổng số 118.144 hộ/402.746 người. Đến 17 giờ ngày 27/9 đã sơ tán 81.152 hộ/253.032 người, đạt 71%. Trong đó: tỉnh Quảng Trị với 4.124/12.926, Thừa thiên Huế với 2.552/8.407, Đà Nẵng với 9.300/ 30.721, Quảng Nam với 39.897/123.714, Quảng Ngãi với 23.006/68.034, Bình Định với 5.109/14.729. Thời gian hoàn thành vào 18 giờ ngày 27/9.
10 tỉnh, thành phố Quảng Trị- Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/9. Các tỉnh Thừa thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định đã cho cán bộ, công nhân nghỉ làm ngày 27-28/9. Hiện nay vẫn còn 4.787 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Các địa phương cơ bản hoàn thành việc cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, công trình, cột tháp cao...
Hiện không còn tàu cá hoạt động trong khu vực nguy hiểm (đã hướng dẫn cho 57.840 tàu/299.678 lao động di chuyển tránh trú); có 983 tàu thuyền vận tải trong khu vực quản lý của các cảng vụ từ Quảng Ninh - Bình Thuận. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình - Khánh Hòa đã ban hành lệnh cấm biển.
Về giao thông, đã tạm dừng khai thác các cảng hàng không Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku từ 12 giờ ngày 27/9 – 12 giờ ngày 28/9. Các tỉnh gồm: Thừa thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định tổ chức lực lượng quản lý giao thông trên đường quốc lộ 1A từ 18 giờ đến 21 giờ ngày 27/9...
Về công tác ứng trực, duy trì lực lượng tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng ứng trực 244.768 cán bộ, chiến sỹ, 2.921 phương tiện; tổ chức bắn pháo hiệu tại 33 điểm ven biển.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các ngành chức năng, địa phương huy động tối đa lực lượng, toàn hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ người dân phòng chống bão với tinh thần “khẩn trương và khẩn trương hơn nữa”, đặt tính mạng của người dân lên trên hết.
Đồng thời, rà soát toàn bộ người dân tất cả các khu vực còn có thể rà soát được, các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, tàu thuyền neo đậu, lồng bè thủy sản nuôi trồng... Áp dụng các biện pháp cưỡng chế di dân nếu thấy cần thiết. Có trách nhiệm bảo vệ tài sản cho người dân khi sơ tán.
Đối với các công trình quan trọng ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh, phòng chống bão như: hồ đập, đê biển, đường điện... cần tăng cường túc trực, rà soát có trọng tâm trọng điểm, có thông tin thường xuyên để có giải pháp xử lý kịp thời khi có sự cố.
Quá trình phòng chống bên cạnh việc bảo vệ cho người dân mà cần đảm bảo an toàn cho cả lực lượng tham gia chống bão. Sử dụng hệ thống loa phát thanh để tuyên truyền người dân hạn chế ra đường khi bão đổ bộ. Xác định các khu vực nguy cơ sự cố để có phối hợp kịp thời một cách có trọng tâm trọng điểm, bài bản.
Phó Thủ tướng lưu ý Ban chỉ đạo tiền phương sẽ túc trực cho đến lúc bão tan, tiếp nhận mọi thông tin liên quan đến bão số 4, các địa phương, lực lượng chức năng tuyệt đối không được chủ quan lơ là, đề phòng mưa lũ, sạt lở có thể xảy ra sau bão...
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã đi kiểm tra thực tế tình hình phòng chống bão số 4 tại các địa phương của tỉnh Quảng Trị.
Tại tỉnh Quảng Trị đã có mưa to đến rất to. Một số nơi đã có gió mạnh như tại đảo Cồn Cỏ gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Cấp độ rủi do thiên tai do bão đối với Quảng Trị là cấp 3.
Tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh là 2.302 chiếc với 6.136 thuyền viên, hiện tại tất cả chủ các phương tiện, tàu thuyền đã nhận được thông tin và hướng di chuyển của bão số 4 (Noru) và đã vào neo đậu an toàn tại các bến trong chiều ngày 25/9/2022. Diện tích lúa nước gieo cấy vụ Hè Thu ước đạt 23.087 ha và cơ bản đã thu hoạch xong... Công tác di dân tránh tính đến chiều 27/9 khoảng 12.926 người/4.124 hộ đến nơi tránh trú an toàn.
Đặc biệt, chiều 27/9, trên địa bàn thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) đã xảy ra lốc xoáy làm tốc mái trên 30 nhà, 1 quán sập đổ hoàn toàn; 3 người bị thương. Huyện Gio Linh đã huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục hậu quả, trước thời gian bão Noru ập vào đất liền, đồng thời sắp xếp nơi ăn nghỉ tạm thời cho những người dân bị tốc mái nhà.
Dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại khu neo đậu tránh trú bão và điểm di dân tại xã Triệu An (huyện Triệu Phong). Kiểm tra hiện trường tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, nơi vừa bị lốc xoáy quét qua gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại, tập trung ứng phó với bão số 4 chuẩn bị đổ bộ vào đất liền.