Ngày 13/4, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ đã họp với 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương về giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Quyết định 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng, Tổ công tác số 1, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam; các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Giải ngân vốn đầu tư công thấp là do khâu tổ chức thực hiện
Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao cho 17 bộ, cơ quan trung ương thuộc Tổ công tác số 1 là trên 38,319 nghìn tỷ đồng, bố trí cho 22 nhiệm vụ và 80 dự án (trong đó 34 dự án chuyển tiếp và 46 dự án khởi công mới).
Đến nay, 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án trên 34,942 nghìn tỷ đồng, đạt 91,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch là gần 3,4 nghìn tỷ đồng của 8 cơ quan.
Trong quý I/2023, tổng số giải ngân của 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương chỉ đạt 0,04% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (10,35%). Trong đó đáng chú ý, có 13 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân 0%), 4 bộ, cơ quan trung ương đã giải ngân nhưng đều dưới 2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, "nhìn chung tiến độ giải ngân của các đơn vị này trong những tháng đầu năm của những năm gần đây số lượng giải ngân đều thấp và tăng dần trong thời gian tiếp theo, hầu hết cả năm đạt 90-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao".
Nguyên nhân chủ yếu giải ngân vốn đầu tư công thấp là công tác tổ chức thực hiện (lập kế hoạch, chuẩn bị thủ tục đầu tư dự án) chưa sát sao, chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các bộ ngành đều cam kết phấn đấu sẽ nỗ lực giải ngân cao nhất theo kế hoạch được giao.
Nhiệm vụ được giao, phải nỗ lực hoàn thành
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, năm nay kế hoạch đầu tư công của cả nước khoảng 711 nghìn tỷ, hiện đã phân bổ trên 700 nghìn tỷ (còn trên 4000 tỷ chưa phân bổ). Kết quả giải ngân quý I/2022 cho thấy, về tỷ lệ chúng ta giải ngân thấp hơn một chút so với năm 2022, nhưng số giải ngân tuyệt đối cao hơn gần 12 nghìn tỷ (khoảng 19%).
Để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 5 tổ công tác để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để cuối năm đạt mục tiêu đề ra. Tổ công tác số 1 kiểm tra 17 bộ ngành cơ quan trung ương và 17 địa phương.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, tổng số vốn đầu tư công được giao cho 17 bộ, cơ quan trung ương thuộc tổ công tác số 1 không lớn (chỉ chiếm khoảng 5% tổng số vốn đầu tư công của cả nước). Nhưng nhiệm vụ được giao thì phải nỗ lực hoàn thành để góp phần vào kết quả chung của cả nước.
Bày tỏ chưa hài lòng trước thực tế hết quý I/2023 tiến độ giải ngân của các bộ ngành, cơ quan trung ương thuộc Tổ công tác số 1 "rất chậm, tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí có cơ quan chưa giải ngân", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, đại diện các bộ ngành, cơ quan phải trao đổi thẳng thắn, nêu rõ khó khăn, vướng mắc ở chỗ nào, khâu nào, để làm rõ trách nhiệm và có giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao cho năm 2023, Ngân hàng Nhà nước được giao 24.283 tỷ đồng (số vốn Ngân hàng nhà nước được giao chiếm đa số trong tổng số vốn giao cho 17 bộ, ngành cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 1).
Trong số này, chỉ có 318,9 tỷ đồng là bố trí cho thực hiện công trình xây dựng cơ bản của ngành ngân hàng (xây dựng Nhà máy In tiền quốc gia và 2 công trình nhà ở của 2 trường Đại học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh). Đối với số vốn này, Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân được hơn 9%, vượt kế hoạch quý I/2023.
Số vốn còn lại 23,965 nghìn tỷ đồng là nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nằm trong gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng phục hồi sau dịch COVID-19.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, quá trình giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% không được như mong muốn, bởi nhiều nguyên nhân (do quy định chưa sát, điều kiện thực tiễn đã thay đổi,…). Sau hai năm thực hiện, tổng giải ngân mới được 330/40.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần báo cáo nên chuyển nguồn này sang các chính sách khác, những lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực đang dôi dư.
Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định tiêu chí cứng là "có khả năng phục hồi" - đây là điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi này. Tuy nhiên, cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều rất khó xác định thế nào là "có khả năng phục hồi" cho nên rất khó thực hiện, Phó Thống đốc Đào Minh Tú bày tỏ.
Trao đổi nội dung này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, gói 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại là giải pháp thông minh, sáng tạo. Nếu thực hiện thành công, nguồn tiền sẽ nhanh tới doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, đây là tiền ngân sách, đòi hỏi thủ tục phải chặt chẽ. Tiêu chí điều kiện "doanh nghiệp có khả năng phục hồi" rất trừu tượng, khó đánh giá, nên quá trình triển khai đã nảy sinh vướng mắc.
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại để "giải ngân tối đa có thể" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nếu chuyển sang sử dụng cho chính sách khác thì phải làm rõ chính sách gì để đề xuất phương án cụ thể.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ ngành: Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Kiểm toán Nhà nước; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Văn phòng Chính phủ; Ngân hàng Phát triển; NHCSXH; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Trung ương Đoàn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;… đã trình bày về các vướng mắc của từng dự án và giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Phải coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, nguyên nhân chính của việc giải ngân chậm tại 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương là do công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, dẫn đến phân bổ vốn chưa xong, tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp. Ông đề nghị các bộ ngành phải đặc biệt lưu ý vấn đề này để rút kinh nghiệm.
Một nguyên nhân nữa là do việc thực hiện thủ tục hành chính của các chủ thể; sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương chưa tốt dẫn tới vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; còn có lãnh đạo bộ ngành chưa quan tâm một cách đầy đủ, xem đây là một nhiệm vụ quan trọng để góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước,….
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công. Các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ đều chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường trách nhiệm hơn nữa đối với việc triển khai công tác này.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, coi công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án, nhiệm vụ cụ thể.
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải ngân vốn đầu tư công
Vốn đã có mà không giải ngân được, thì dòng tiền, thanh khoản của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng. Nếu để "tích tiểu thành đại", đọng vốn nhiều sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế và chính sách tài khóa, tiền tệ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các bộ ngành, cơ quan trung ương phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Phải xác định rõ, đây là trách nhiệm của người đứng đầu.
Ông lưu ý, các bộ, ngành cần chủ động rà soát trên tinh thần những dự án khó triển khai thì có thể điều chuyển vốn trong nội bộ.
Phó Thủ tướng đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa, phân công đúng người đúng việc, kịp thời khen thưởng, động viên các cán bộ làm tốt, có hiệu quả và có biện pháp phù hợp đối với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý bộ, ngành quản lý nhà nước phối hợp tốt với các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai, tổ chức thực hiện dự án, cũng như việc thanh toán, quyết toán; rà soát, kịp thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc về hành chính, cũng như về pháp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho ý kiến đối với các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ngân hàng Phát triển Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội; Ngân hàng Nhà nước./.