Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái: Kiểm soát quyền lực để đẩy lùi tham nhũng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả cần kiểm soát được quyền lực, đây là việc có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, do quyền lực có xu hướng gây tha hóa khi không kiểm soát.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, sáng 8/6, sau phần chất vấn lĩnh vực giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đăng đàn trả lời chất vấn và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.
Báo cáo giải trình trước khi trả lời các vấn đề cụ thể, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết trong tháng 5 và đầu tháng 6, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.
Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,2% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022, nhưng số tuyệt đối cao hơn 41 nghìn tỷ đồng; thu hút vốn FDI tháng 5 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt khoảng 95.000 doanh nghiệp. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng, tăng cường. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng, tăng cường. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh hiện nay còn không ít hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức như tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, đứt gãy các chuỗi cung ứng, thị trường lao động, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn bất cập; thiếu điện cục bộ; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; một bộ phận cán bộ có tư tưởng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai...
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin lắng nghe, tiếp thu và tiếp tục bám sát các mục tiêu theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội để cụ thể hóa và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương chủ động, kịp thời thực hiện nghiêm túc, hiệu quả”, Phó Thủ tướng cho biết.
Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương
Về an sinh xã hội, lao động, việc làm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và nâng cao đời sống Nhân dân được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng người lao động bị mất việc, giảm giờ làm xảy ra cục bộ tại một số địa phương và trong một số ngành nghề; trong 5 tháng đầu năm có 510 nghìn lao động bị ảnh hưởng, trong đó 279 nghìn lao động bị thôi việc, mất việc. Việc chậm đóng, trốn đóng và rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng...
“Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục đứt gãy các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm duy trì và tạo thêm việc làm cho người lao động; theo dõi sát tình hình người lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm... để có phương án hỗ trợ phù hợp; Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Xử lý, điều chuyển công tác cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
Về xử lý tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Công tác cán bộ là một nhiệm vụ then chốt của cả hệ thống chính trị, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta.
Nhắc về việc thời gian gần đây, xảy ra tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền, dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, yếu kém nêu trên.
Kịp thời rà soát, xử lý, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.
Đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức, cá nhân các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Điều hành giá phải quan tâm đến đời sống của người dân
Trả lời chất vấn đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) về giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát, tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương là tăng giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết điều hành giá là nghệ thuật uyển chuyển trong điều kiện kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.
Việc điều hành, theo Phó Thủ tướng, phải quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, căn cứ tin hiệu của thị trường để có kịch bản điều hành.
Theo Phó Thủ tướng, muốn giữ được giá phải đáp ứng quan hệ cung - cầu, việc này Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt với mặt hàng thiết yếu như thực phẩm. Trong thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đối với các mặt hàng Nhà nước không định giá phải niêm yết, kê khai và kiểm tra thường xuyên.
Cuối cùng, cần tuyên truyền, thông tin đầy đủ để người dân hiểu được công tác điều hành giá của Chính phủ, tránh trường hợp tăng giá mà không kiểm soát được.
Kiểm soát quyền lực để đẩy lùi tham nhũng
Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) dẫn lại câu nói "tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực" và cho biết một trong những giải pháp cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phải kiểm soát quyền lực, đảm bảo quyền lực được thực thi trong khuôn khổ. Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần đề cập việc kiểm soát quyền lực, xác định đây là vấn đề cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả cần kiểm soát được quyền lực, đây là việc có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, do quyền lực có xu hướng gây tha hóa khi không kiểm soát. Kiểm soát quyền lực là việc căn cơ trong phòng chống tham nhũng, giúp loại bỏ, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm sai phạm.
Phó Thủ tướng cho rằng, thực tiễn cho thấy phải kiểm soát quyền lực chặt chẽ tại các cơ quan quản lý nhà nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực với người có chức vụ, quyền hạn, "nhốt quyền lực vào lồng cơ chế".