(TN&MT) - Tại cuộc họp sáng 17/10, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ TN&MT cho biết, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, đến nay đã có 392 cơ sở hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chiếm tỉ lệ 89,29%.
Trong giai đoạn tiếp theo, Quyết định 1788/2013/QĐ-TTg xác định có 184 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay đã có 67 cơ sở cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, chiếm 36,4%, dự kiến đến 2020 sẽ đạt khoảng 145 cơ sở.
Tại Hà Nội, trong số 26 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng phải xử lý triệt để, đã có 23 cơ sở hoàn thành. Trong đó, 4 cơ sở phải bắt buộc di dời gồm Dệt kim Đông Xuân, Cồn Rượu Hà Nội, Sunway Hà Tây, Bao bì Sông Đà.
Từ 2013, Hà Nội không đề xuất việc phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn. Tuy nhiên, Bộ TN&MT cho biết vẫn có 12 cơ sở nằm trong diện gây ô nhiễm nghiêm trọng.
TPHCM cũng trong tình trạng tương tự, xử lý cơ bản được số cơ sở theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, sau đó chưa báo cáo việc phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khi Bộ TN&MT tổng hợp có khoảng 13 cơ sở trong diện này.
Sau khi rà soát, thống nhất, tại mỗi thành phố đều xác định có 3 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng và đang trong quá trình xử lý triệt để. Tại Hà Nội là Bệnh viện Nam Thăng Long, Khu xử lý chất thải Nam Sơn, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Còn tại TPHCM là Bệnh viện Giao thông vận tải, Tổng công ty IDICO, Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn.
Bên cạnh đó, theo thẩm quyền, Hà Nội cũng rà soát, phê duyệt di dời trên 400 cơ sở khác có nguy cơ gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch ra khỏi nội đô. TPHCM xác định có 1.402 cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trong diện tương tự.
Theo đánh giá chung, việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, điển hình đã cơ bản thực hiện nghiêm theo yêu cầu của Chính phủ. Trong đó, các giải pháp đưa ra khá đồng bộ, triệt để. Nhiều cơ sở gây ô nhiễm đã có sự chủ động thực hiện các biện pháp giảm thiểu, qua đó góp phần giảm thiểu tác động ô nhiễm tới cộng đồng.
Tuy nhiên, khó khăn nổi bật trong thực hiện chủ trương xử lý ô nhiễm hiện nay rơi vào một số đối tượng khó khăn, mà cụ thể là các cơ sở thuộc khu vực công ích. Trong đó, chủ yếu là các bãi rác nên việc áp dụng các biện pháp như đóng cửa, tạm đình chỉ hoạt động là không khả thi, thiếu kinh phí đầu tư xử lý. Tổng số tiền ước tính cho các đối tượng thuộc khu vực công ích vào khoảng 6.320 tỉ đồng, nhưng trung bình mỗi năm, ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ khoảng 400-600 tỉ đồng.
Mặt khác, một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong việc thực hiện kế hoạch của Thủ tướng đối với các cơ sở trên địa bàn, không xử lý nghiêm đối với việc xử lý ô nhiễm không đúng yêu cầu, tiến độ xử lý, chưa quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách để thực hiện xử lý, chưa thực hiện tốt công tác quy hoạch, dẫn tới tình trạng nhà máy, cơ sở nằm xen kẽ trong khu dân cư nên gặp khó khăn trong di dời. Hơn nữa, hầu hết các bãi rác được đầu tư thiếu đồng bộ.
Kết luận cuộc họp, một mặt ghi nhận những kết quả khá tích cực trong thực hiện xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thời gian qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh chủ trương này, bảo đảm hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo yêu cầu đề ra.
Cần tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng không hoàn thành đúng tiến độ, trong đó kiên quyết áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở cố tình, thiếu quyết liệt trong xử lý.
Bộ TN&MT là cơ quan thường trực của chương trình đưa ra danh sách các cơ sở còn chậm xử lý, nhất là 9 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ có tên trong Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg đã được gia hạn xử lý đến 30/6/2014 nhưng đến nay chưa hoàn thành. Cần có các biện pháp xử lý triệt để và phải làm việc với các cơ quan chủ quản, địa phương để đưa ra giải pháp và lộ trình cụ thể cho từng dự án.
Một mặt tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, mặt khác cần xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu ở cơ sở đã được hỗ trợ kinh phí mà chậm triển khai. Phải công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiến độ xử lý ô nhiễm triệt để và kết quả thanh kiểm tra đối với cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, chậm triển khai xử lý, gây ô nhiễm kéo dài.
Các bộ, ngành, địa phương chủ quản làm việc về những đặc thù của các cơ sở trực thuộc để có đề xuất chính sách bảo đảm mục tiêu đã định. Bộ KH&ĐT, Tài chính, TN&MT xem xét, mở rộng Chương trình mục tiêu xử lý các cơ sở gây ô nhiễm để cân đối hỗ trợ kinh phí xử lý với một số đối tượng đang gặp khó khăn như bãi rác, bệnh viện…
PV