Đây là lần đầu tiên sau 2 năm, thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước tổ chức cho các em thiếu nhi đón Trung thu do 2 năm trước phải hoãn vì đại dịch Covid-19.
Tại các tuyến phố trung tâm của Thủ đô Hà Nội như Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Mã, Hàng Ngang, Tràng Tiền, Ngô Quyền, Nguyễn Du..., đâu đâu cũng nhộn nhịp, rộn ràng không khí Trung thu với nhiều hoạt động, trò chơi cho các em nhỏ. Không khó để thấy hình ảnh các em thiếu nhi và thậm chí cả người lớn hào hứng tham gia các hoạt động diễn ra tại nhiều sân khấu nhỏ được dựng lên ngay trên vỉa hè của các con phố trên.
Nhiều chương trình đón Trung thu cũng đã diễn ra tại các cơ sở giáo dục mầm non. Tại Trường mầm non Sao Mai Việt (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội), các bé đã có một Tết Trung thu năm 2022 đáng nhớ. Trước ngày rằm trung thu, các bé đã được học các bài hát, bài thơ và chơi các trò chơi về trung thu. Ngày 9/9, nhà trường cũng đã tổ chức trung thu cho các bé, với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, cũng như hoạt động múa lân, phá cỗ…
Cô Nguyễn Kiều Loan - Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Mai Việt mong muốn, qua các bài học và trò chơi trên, các em hiểu được rằm Trung thu không chỉ là ngày đoàn viên, hội ngộ, ngày mà mỗi người được quây quần, sum vầy bên nhau bên mâm ngũ quả, thưởng thức những chiếc bánh trung thu, ngày trẻ em được cùng nhau nô đùa thỏa thích, được ăn bánh kẹo, được nhận nhiều đồ chơi, mà còn là một nét vẽ không thể thiếu trong bức tranh văn hóa Việt.
Tại các quận, huyện ngoại thành của thủ đô Hà Nội, hoạt động chào đón Tết trung thu cũng náo nhiệt không kém các khu vực nội thành. Tối 9/9, tại công viên huyện Thanh Oai (Kim Bài, Thanh Oai, Hà Nội), UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức "Đêm hội Trăng rằm năm 2022" cho 1.300 thiếu nhi tiêu biểu và có hoàn cảnh khó khăn, đại diện cho hàng triệu thiếu nhi Thủ đô.
"Đêm hội Trăng rằm năm 2022" đã mang đến cho thiếu nhi những tiết mục văn hóa, nghệ thuật vui tươi, đậm nét truyền thống như: "Trống hội, múa lân", "Rước đèn ông sao", "Lên thăm chị Hằng", "Em đi xem hội Trăng rằm"… Nhân dịp này, các cơ quan thành phố và các đơn vị tài trợ đã gửi 1.200 phần quà cho 1.200 em nhỏ và hàng chục suất học bổng, hàng chục xe đạp cho các em thiếu niên, nhi đồng vượt khó học giỏi.
Không chỉ ở thủ đô Hà Nội, tại các làng quê, các em thiếu nhi cũng đã được đón một mùa trung thu đáng nhớ với nhiều hoạt động khác nhau. Điển hình, ở xã Phú Lương (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), mặc dù thời tiết năm nay không ủng hộ, có mưa lớn vào các ngày 7 và 8/9 (tức 13 và 14/8 Âm lịch), nhưng lãnh đạo UBND xã đã chỉ đạo 5 thôn tổ chức cắm trại cho các em thiếu nhi ngay tại hội trường thôn thay vì cắm trại tập trung tại sân vận động xã.
Theo ông Mai Danh Nhu, trưởng thôn Duyên Phú (xã Phú Lương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương, Ban chấp hành Đoàn xã, Ban lãnh đạo và nhân dân trong thôn và Chi đoàn thôn đã phối hợp tổ chức cho các cháu tập luyện quân sự và múa từ ngày 1/8 đến ngày 13/8 Âm lịch để chuẩn bị thi đồng diễn tại xã vào 2 ngày 14 và 15/8, nhưng do điều kiện thời tiết bất lợi nên việc tổ chức cắm trại và thi đồng diễn được đưa về cơ sở thôn. Ông Nhu mong rằng thời tiết năm sau sẽ thuận lợi hơn để các em thiếu nhi của thôn Duyên Phú được thi đồng diễn cùng với các em của 4 thôn còn lại tại sân vận động của xã.
Lãnh đạo thôn Duyên Phú cho rằng, Trung thu có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, là tết đoàn viên để cả gia đình quây quần bên nhau, để tăng thêm tình cảm gia đình, là dịp để trẻ em được tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa của đất nước. Đây cũng là dịp trẻ em có thể vui chơi, được thưởng thức những thứ quà đặc trưng như bánh trung thu… Tết trung thu là một nét độc đáo trong văn hóa người Việt.
Dưới đây là những hình ảnh về Tết trung thu năm nay