Chiều 3.12, Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu đã thăm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Cùng tham gia Đoàn công tác có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang và đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng.
Về phía tỉnh Bạc Liêu có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Quang Dương; lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND và các sở, ngành chức năng.
Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và đoàn công tác về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XV, nhiệm kỳ 2016 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết, trong số 22 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, tính theo tiến độ thực hiện thì có 17 chỉ tiêu đạt và vượt, 5 chỉ tiêu gần đạt. Trong giai đoạn 2016 - 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân của tỉnh đạt 6,7%, tương đương với mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đến thời điểm này, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) theo giá năm 2010 tăng từ 22.702 tỷ đồng năm 2016 lên 26.199 tỷ đồng năm 2018. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 34,09 triệu đồng/người/năm của năm 2016 lên 42,05 triệu đồng/người/năm của năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,55% vào cuối năm 2015 xuống còn dưới 4,53% cuối năm 2018, công tác chăm lo đời sống cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng được quan tâm, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo...
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân hơn nữa trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đặt quyết tâm đạt tăng trưởng đến 9% trong năm 2019-2020, trong đó, tập trung vào các ngành kinh tế quan trọng như nông nghiệp công nghệ cao để sản xuất lúa gạo và tôm; năng lượng sạch gồm điện gió, điện mặt trời; phát triển du lịch; kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng; thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế...
Về chống biến đổi khí hậu và sạt lở ven biển, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh có 56km bờ biển, có khoảng 100 nghìn người dân sinh sống giáp khu vực này. Hàng năm, tình trạng sạt lở mỗi mùa nước lớn, biển động diễn ra rất nghiêm trọng tại 4 điểm. Tỉnh cũng đã sử dụng nhiều giải pháp như kè, trồng cây sú, vẹt nhưng vẫn không yên tâm. Hiện nay còn 3 điểm nguy cơ sạt lở lớn cần phải kè cứng. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu phương pháp xử lý tránh sạt lở không chỉ riêng ở Bạc Liêu, mà cả vùng Đồng tháp Mười nói chung, đồng thời kiến nghị cơ quan chức năng xử lý triều cường gây ngập úng và nguy cơ tai nạn giao thông dài tới 14km phía Bắc quốc lộ 1A và đề nghị hỗ trợ thúc đẩy phát triển dự án Nhà máy Điện khí hoá lỏng Bạc Liêu.
Trao đổi cụ thể về các kiến nghị của Bạc Liêu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng nêu rõ, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và sạt lở là vấn đề được các cơ quan chức năng đặt ra từ nhiều năm nay. Đây cũng là những thách thức vô cùng lớn đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Bạc Liêu nói riêng. Có những điểm mỗi năm sạt lở sâu vào đất liền đến 80 m. Đến thời điểm này, các nhà khoa học đã xác định được khu vực nào tại đồng bằng sông Cửu Long phải kè cứng, khu vực nào có thể trồng cây chắn sóng. Hiện nay mức đầu tư kè biển chắn sóng cứng hóa bằng bê tông dự kiến khoảng 1 triệu USD/1km. Tuy nhiên với 3 điểm sạt lở mà Bạc Liêu đề xuất, theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cần làm sớm, Bộ sẽ lên kế hoạch để đề nghị Chính phủ, QH xem xét bố trí vốn.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đánh giá cao việc Bạc Liêu phát triển trung tâm nông nghiệp công nghệ cao lớn nhất trong cả nước, trong đó có con tôm, trung tâm năng lượng tái tạo. Vấn đề quan trọng là Bạc Liêu cần phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Bạc Liêu nói riêng đang chịu ảnh hưởng lớn bởi tình trạng nước biển mỗi ngày một dâng cao, tình trạng sụt lún đất và nhất là sạt lở vùng ven biển, bãi biển. Vấn đề là phải xử lý như thế nào để gây bồi, tạo bãi, trồng cây chắn sóng hoặc kè tại 3 điểm sạt lở? Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tại những khu dân cư, bãi biển sạt lở, gây ảnh hưởng đến người dân, khu dân cư thì phải triển khai kè cứng để mang tính bền vững.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển ghi nhận những kết quả mà tỉnh Bạc Liêu đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong phát triển kinh tế thủy sản, du lịch, xây dựng nông thôn mới, công tác cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến đáng kể, công tác thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế được thực hiện một cách quyết liệt… Phó Chủ tịch QH cho rằng, Bạc Liêu đã xác định được 5 ngành kinh tế mũi nhọn là rất đúng đắn. Việc lựa chọn đúng đồng nghĩa với việc quyết tâm thực hiện sẽ sớm đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, Chính phủ đã giao cho Bạc Liêu trở thành 3 trung tâm lớn của vùng là trung tâm nuôi tôm, trung tâm điện tái tạo và trung tâm du lịch. Vấn đề quan trọng hiện nay là khi nuôi tôm thì phải bảo đảm đúng quy trình, bảo đảm chất lượng thì mới nâng được giá thành, đi vào thị trường tốt và bền vững. Khai thác năng lượng tái tạo cũng phải hướng đến mục tiêu bền vững. Đặc biệt, Bạc Liêu có lợi thế lớn về văn hóa, du lịch, trong đó có đờn ca tài tử, khu du lịch Cao Văn Lầu, Công tử Bạc Liêu… Theo Phó Chủ tịch QH, Bạc Liêu cần khai thác, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế này.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển lưu ý, trong thời gian tới, thách thức trong phát triển kinh tế xã hội của Bạc liêu vẫn còn nhiều, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Phó Chủ tịch QH mong muốn, Bạc Liêu tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng, kết quả đã đạt được, ra sức khắc phục khó khăn, phấn đấu lãnh đạo thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, tạo đà thúc đẩy các mặt của tỉnh phát triển nhanh, bền vững hơn ở giai đoạn tiếp theo.
Về kiến nghị của tỉnh Bạc Liêu, Phó Chủ tịch QH cho rằng, vấn đề chống biến đổi khí hậu, không gây ảnh hưởng đến người dân và xử lý 3 đoạn sạt lở thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm xem xét trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh và đề xuất Chính phủ sớm đầu tư. Về triều cường gây ngập 14km Quốc lộ 1A, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho biết, sẽ làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để có hướng xử lý.
Trước đó, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác đã đến khảo sát tình hình sạt lở ven biển và Dự án điện gió Bạc Liêu; khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của tập đoàn Việt – Úc tại xã Hiệp Thành.